Ngày 5/4, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã yêu cầu Israel có sự thay đổi thực chất trong cách thức tiến hành cuộc chiến ở dải Gaza để tránh gây thêm tổn thất cho dân thường, đồng thời chuyển đổi mô hình vận chuyển hàng hóa nhân đạo vào vùng lãnh thổ của Palestine.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, phát biểu họp báo tại trụ sở LHQ, ông Guterres một lần nữa lên án các hành vi bạo lực gây ra đối với dân thường và mục tiêu dân sự trong cuộc xung đột Hamas-Israel, đã bùng phát từ ngày 7/10 năm ngoái.
Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới nhấn mạnh chiến dịch quân sự của Israel nhằm vào Dải Gaza đã gây tổn thất lớn cả về người, tài sản và cơ sở hạ tầng của Palestine. Theo số liệu thống kê, chiến dịch này đã khiến hơn 32.000 người thiệt mạng, phần lớn trong đó là phụ nữ và trẻ em.
Ông Guterres đánh giá thảm họa nhân đạo hiện nay ở Gaza là chưa có tiền lệ, khi có hơn 1 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói.
Đề cập đến vụ Israel không kích đoàn xe của tổ chức nhân đạo World Central Kitchens khiến 7 nhân viên của tổ chức này thiệt mạng, Tổng thư ký Guterres cho rằng điểm mấu chốt không nằm ở sai lầm của một vài cá nhân mà là thiếu sót trong chiến lược và quy trình dẫn đến sai phạm này, không chỉ một mà rất nhiều lần.
Ông Guterres đề nghị mở một cuộc điều tra độc lập và đưa ra những thay đổi có thể lượng định và kiểm soát được trên thực địa. Tổng thư ký LHQ đồng thời nhắc lại kêu gọi khẩn thiết về ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức, trả tự do vô điều kiện cho các con tin, bảo vệ dân thường và bảo đảm hàng hóa nhân đạo vào Gaza mà không bị cản trở.
Ông Guterres hy vọng hàng viện trợ sẽ nhanh chóng tới tay người Palestine hơn, sau khi chính quyền Israel đã đồng ý mở rộng quy mô luồng viện trợ nhân vào dải đất ven Địa Trung Hải này.
Trong khi đó, phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn lời Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 5/4 đánh giá các cam kết của Israel về việc tạm thời mở lại các cửa khẩu viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza là “không đủ” trước nguy cơ xảy ra nạn đói ở vùng lãnh thổ của Palestine.
Trên trang mạng xã hội X, ông Michel nêu rõ: “Trẻ em và trẻ sơ sinh đang chết đói. Cần có những nỗ lực đáng kể và khẩn cấp để chấm dứt ngay nạn đói, vốn được coi là vũ khí chiến tranh ở Gaza”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhận định thông báo của Israel về việc tạm thời mở lại cửa khẩu Erez, cũng như liên quan đến hoạt động vận chuyển viện trợ nhân đạo qua cảng Ashdod, là không đủ.
Đồng quan điểm với ông Michel, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Joseph Borrell cùng ngày quyết định của Israel về việc mở một số hành lang mới cho viện trợ nhân đạo vào Gaza vẫn sẽ không đủ để ngăn chặn nạn đói ở vùng lãnh thổ của Palestine.
Quan chức EU yêu cầu phải thực thi Nghị quyết 2728 mang tính ràng buộc của Hội đồng Bảo an LHQ. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng yêu cầu những cam kết của Israel phải “được thực hiện một cách nhanh chóng và đầy đủ”.
Trước áp lực quốc tế ngày càng gia tăng, Chính phủ Israel buộc phải mở một số hành lang cho viện trợ nhân đạo. Cũng trong ngày 5/4, Chính phủ Anh đã yêu cầu “minh bạch tối đa” và “đánh giá hoàn toàn độc lập” về vụ không kích khiến 7 nhân viên của WCK thiệt mạng, đồng thời rút ra những bài học để ngăn chặn nguy cơ tái diễn. Trong số 7 nhân viên cứu trợ của WCK thiệt mạng có 3 nạn nhân là người Anh.
Trên nền tảng truyền thông xã hội X, Ngoại trưởng Anh David Cameron chia sẻ: “Chúng tôi đang xem xét thận trọng những phát hiện ban đầu trong cuộc điều tra của Israel về vụ sát hại các nhân viên cứu trợ của WCK và hoan nghênh quyết định đình chỉ 2 sĩ quan trong bước đi đầu tiên”.
Ngoại trưởng Anh yêu cầu những phát hiện nêu trên “phải được công bố đầy đủ và tiếp theo đó là đánh giá độc lập toàn diện để đảm bảo tính minh bạch tối đa và trách nhiệm giải trình”. Ngoài ra, Ngoại trưởng Cameron cũng kêu gọi quân đội Israel phải rút ra bài học về những gì đã xảy ra để ngăn chặn nguy cơ tái diễn. Ông nhấn mạnh “nhiệm vụ cải cách lớn trong cơ chế hạ nhiệt xung đột của Israel là hết sức cần thiết để đảm bảo an toàn cho các nhân viên cứu trợ”.
Trước đó, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết khoảng 8/10 trường học ở Dải Gaza đã bị hư hại hoặc phá hủy, nhưng chính những thiệt hại về mặt tâm lý mà cuộc xung đột hiện nay gây ra cho gần 1,2 triệu trẻ em ở vùng lãnh thổ này mới khiến các chuyên gia thực sự lo ngại.
Theo UNICEF, kể từ khi nổ ra xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel, ít nhất 53 trong tổng số 563 trường học ở Gaza đã bị phá hủy. Trung bình cứ hơn 8/10 trường bị hư hại và 67% chịu ảnh hưởng trực tiếp do xung đột. Đây là tình trạng chưa từng có.
Bác sĩ tâm lý trẻ em Audrey McMahon của Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới nhấn mạnh rằng để có thể học tập, cần phải ở trong một không gian an toàn. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em ở Gaza hiện nay đều có bộ não đang hoạt động khi bị tổn thương.
Những trẻ nhỏ hơn có thể bị khuyết tật nhận thức suốt đời do suy dinh dưỡng, trong khi thanh thiếu niên có thể cảm thấy phẫn nộ và tức giận trước sự bất công mà các em phải gánh chịu. Những tổn thương mà các em phải đối mặt là rất lớn và sẽ mất rất nhiều thời gian để chữa lành những tổn thương đó.
Ông David Skinner tại tổ chức cứu trợ trẻ em Save The Children cho biết việc xây dựng lại các trường học tuy rất phức tạp nhưng vẫn đơn giản hơn so với những tổn thất nặng nề về giáo dục. Thảm họa đối với trẻ em là điều thường bị bỏ qua trong các thông tin đề cập tới tình hình Gaza. Đây là những trẻ nhỏ mất người thân, bệnh tật và suy dinh dưỡng.
Ông Skinner cũng cho biết trẻ nhỏ có bộ não vẫn đang phát triển đặc biệt có nguy cơ bị tổn thương về sức khỏe tâm thần và nhận thức. Việc đưa các em trở lại lớp học và xây dựng lại trường học chỉ là những bước đầu tiên. Thách thức thực sự sẽ là chữa lành cho thanh thiếu niên Gaza phải di tản và bị tổn thương để họ có thể học tập trở lại.
UNICEF ước tính có 620.000 trẻ em ở Gaza không được đến trường. Khi nổ ra cuộc xung đột giữa Hamas và Israel, các trường học ngay lập tức ngừng hoạt động giảng dạy và phần lớn biến thành nơi trú ẩn cho các gia đình chạy trốn khỏi các cuộc không kích. Gần 50% dân số sinh sống ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng là trẻ dưới 18 tuổi và hệ thống giáo dục đang gặp khó khăn sau 5 cuộc chiến trong 20 năm qua.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)