Những chiếc túi đựng thực phẩm, vỏ chai đựng nước sốt cà chua và cả hộp nhựa đựng thực phẩm đã bị bỏ đi đang được phân loại tại nhà máy phân loại rác thải công nghệ cao Site Zero, nơi Thụy Điển hy vọng có thể cách mạng hóa lĩnh vực tái chế nhựa của nước này.
Nằm ở bên ngoài thị trấn Motala, cách thủ đô Stockholm khoảng 200km về phía Tây Nam, Nhà máy Site Zero đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2023 và được tổ chức phi lợi nhuận thuộc ngành nhựa Swedish Plastic Recycling cho rằng đây là cơ sở tái chế nhựa lớn nhất và hiện đại nhất thế giới.
Theo Giám đốc điều hành của tổ chức này Mattias Philipsson, nhà máy đã sử dụng đèn hồng ngoại, tia laser, camera và trí tuệ nhân tạo (AI) để phân loại rác thải nhựa.
Có khả năng xử lý 200.000 tấn rác thải mỗi năm, nhà máy hoàn toàn tự động này có thể phân loại 12 loại nhựa khác nhau so với chỉ 4 loại ở các cơ sở thông thường. Thậm chí, cơ sở này còn có thể phân loại 2 loại nhựa dẻo PVC và PS mà trước đây không thể tái sử dụng trong các sản phẩm mới.
Theo ông Philipsson, mục tiêu là để ngành tái chế nhựa trở thành một phần của nền kinh tế tuần hoàn và giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ông cho biết thêm nhà máy phân loại nhựa cũ của Thụy Điển chỉ phân loại được khoảng 50% bao bì nhựa và số còn lại phải đốt vì không thể phân loại. Tuy nhiên, với nhà máy phân loại rác thải nhựa mới, hiện số bao bì nhựa không thể phân loại chỉ còn dưới 5%.
Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Thụy Điển (EPA), năm 2022, chỉ có 35% rác thải nhựa được tái chế, dưới mức trung bình 40% của Liên minh châu Âu (EU).
EPA cho biết việc đốt rác thải nhựa được sử dụng để sản xuất cả nhiệt và điện chiếm khoảng 7% lượng khí nhà kính mà Thụy Điển phát thải.
Việc sử dụng nhựa tái chế vẫn chưa được phổ biến do giá thành đắt hơn trung bình 35% so với nhựa mới sản xuất.
Chuyên gia Asa Stenmarck thuộc EPA cho biết một số loại nhựa được Site Zero phân loại vẫn chưa phổ biến trên thị trường tái chế.
Bà cho rằng để đẩy nhanh việc sử dụng rộng rãi các loại nhựa tái chế, cần phải đưa điều này vào quy định của luật pháp và điều này đang được triển khai ở EU với Quy định mới về bao bì và rác thải bao bì (PPWR).
Ngày 4/3 vừa qua, 27 nước thành viên EU đã nhất trí rằng vào năm 2030, bao bì nhựa phải chứa từ 10-35% hàm lượng tái chế, tùy thuộc vào việc bao bì sử dụng đựng thực phẩm hay không.
Hiện nay, nhiều nước khác ở châu Âu cũng đang triển khai các cơ sở tái chế rác thải nhựa dựa trên mô hình của nhà máy Site Zero, trong đó có 2 dự án ở Đức và 1 dự án ở Na Uy.
Theo ông Philipsson, cách duy nhất để có thể đáp ứng quy định mới của EU là phân loại hiệu quả rác thải nhựa. Tuy nhiên, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo số lượng bao bì nhựa sẽ tăng gấp ba vào năm 2060.
Một số nhà bảo vệ môi trường cho rằng việc phân loại tốt hơn hay tăng cường tái chế không giải quyết được vấn đề gốc rễ mà phải là thay thế và loại bỏ chúng.
Theo TTXVN/Vietnam+