Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 26/3, các lực lượng vũ trang Jordan phối hợp cùng 3 quốc gia khác đã tiến hành 5 đợt thả hàng viện trợ xuống các khu vực ở phía Bắc Dải Gaza.
Hãng thông tấn nhà nước Petra đưa tin Jordan đã điều 2 máy bay, trong khi Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Đức mỗi nước điều một máy bay tham gia hoạt động chung này.
Theo thông báo của quân đội Jordan, quốc gia Trung Đông này đang điều phối các nỗ lực quốc tế để cung cấp viện trợ lương thực cho những người Palestine bị ảnh hưởng bởi nạn đói trong bối cảnh xung đột Israel - Hamas vẫn tiếp diễn ở Gaza.
Quân đội Jordan khẳng định sẽ tiếp tục gửi hàng viện trợ nhân đạo và y tế tới Dải Gaza, đồng thời nói thêm rằng Không quân Hoàng gia Jordan đã tiến hành 156 đợt thả dù mang theo hàng cứu trợ xuống Gaza, kể từ khi bắt đầu xung đột Israel - Hamas, trong đó 96 đợt được thực hiện có sự hợp tác với các nước khác.
Cùng ngày, các nhà lãnh đạo quốc phòng Mỹ đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant để thảo luận về tình hình ở Gaza. Phát biểu trong một cuộc họp tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng con số thương vong đối với dân thường tại Gaza là "quá cao" trong khi những đợt chuyển hàng viện trợ là "quá chậm".
Ông Austin cũng cho rằng Israel cần có những giải pháp khác liên quan đến hoạt động quân sự ở phía Nam Gaza, nhấn mạnh việc bảo vệ tính mạng cho người dân. Trả lời báo giới sau cuộc gặp, một quan chức Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Israel Gallant đã cam kết giải quyết những vấn đề mà phía Mỹ nêu trong cuộc họp.
Trước đó, ngày 25/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ không cử phái đoàn đến Washington theo kế hoạch, sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza.
Ông Netanyahu cho rằng động thái này của Mỹ thể hiện sự thay đổi trong lập trường của Washington, do đó sẽ ảnh hưởng đến Israel trong chiến dịch quân sự chống Hamas cũng như vấn đề để hơn 130 con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza được trả tự do.
Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby đã bày tỏ rất thất vọng trước quyết định trên của Thủ tướng Israel, khẳng định việc Mỹ bỏ phiếu trắng "không phản ánh sự thay đổi lập trường" trong chính sách của Mỹ. Ông Kirby cho biết giới chức cấp cao của Mỹ sẽ vẫn tiến hành các cuộc thảo luận riêng rẽ với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, người đang ở thăm Washington.
Trong diễn biến khác, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry ngày 26/3 đã kêu gọi thực thi ngay Nghị quyết 2728 của Hội đồng Bảo an LHQ về lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza trong tháng lễ Ramadan của Hồi giáo.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, phát biểu trong cuộc gặp với Phó Chủ tịch Phong trào Fatah của Palestine - ông Mahmoud Al-Aloul, Ngoại trưởng Shoukry nêu bật sự cần thiết phải dựa vào nghị quyết Hội đồng Bảo an nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn kéo dài qua tháng Ramadan để tránh gây thiệt hại về sinh mạng cho những người Palestine tại Gaza.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh sự cần thiết phải chấm dứt vĩnh viễn thảm họa nhân đạo mà người Palestine đang phải đối mặt ở Gaza, đồng thời kêu gọi Israel chấm dứt các hành động trừng phạt tập thể nhằm vào người Palestine.
Ai Cập hoan nghênh Nghị quyết 2728 của Hội đồng Bảo an là "bước đi quan trọng và cần thiết đầu tiên để ngăn chặn đổ máu". Tuy nhiên, Cairo cũng nêu bật "sự mất cân bằng của nghị quyết do khung thời gian hạn chế cũng như các nghĩa vụ trong đó".
Trong cuộc gặp với phái đoàn Fatah, ông Shoukry tái khẳng định Ai Cập bác bỏ hoàn toàn các kế hoạch của Israel nhằm cưỡng bức di dời người dân ở Gaza. Ông cảnh báo những hành động này là nhằm làm suy yếu triển vọng hòa bình và chung sống hòa bình trong khu vực.
Ngoại trưởng Ai Cập cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục tài trợ cho Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA), đồng thời nêu bật vai trò không thể thiếu của cơ quan này trong việc cung cấp các dịch vụ quan trọng trên khắp Dải Gaza.
Cùng ngày, Liên đoàn Ả-rập (AL) và Nghị viện Ả-rập - cơ quan lập pháp của AL, đã hoan nghênh nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời hối thúc việc thực thi nhanh chóng nghị quyết này.
Tổng thư ký AL Ahmed Aboul Gheit cũng nêu bật tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi cho viện trợ nhân đạo thông qua các tuyến đường bộ, từ đó giảm thiểu khủng hoảng và ngăn chặn mối đe dọa của nạn đói tại Gaza.
Ông Gamal Rushdi - người phát ngôn Tổng thư ký AL, đánh giá nghị quyết "báo hiệu một sự thay đổi đáng chú ý trong lập trường quốc tế" về xung đột ở Gaza, bao gồm cả lập trường của Mỹ. Ông nói thêm rằng giai đoạn sắp tới cần có những nỗ lực phối hợp quốc tế để biến nghị quyết này thành những hành động cụ thể.
Cũng trong ngày 26/3, Iran đã kêu gọi thực thi hiệu quả nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanaani nhấn mạnh sự cần thiết phải dỡ bỏ hoàn toàn "cuộc bao vây" của Israel với Dải Gaza và kêu gọi mở lại các cửa khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển viện trợ nhân đạo quốc tế quy mô lớn và không bị cản trở đến vùng đất ven Địa Trung Hải của Palestine.
Ông Kanaani cũng kêu gọi huy động các nguồn tài chính và viện trợ quốc tế để khởi động quá trình tái thiết các khu vực bị tàn phá ở Gaza, ưu tiên khôi phục nhà cửa và cơ sở hạ tầng quan trọng, đặc biệt là các bệnh viện và trung tâm dịch vụ.
Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi Hội đồng Bảo an LHQ thông qua Nghị quyết 2728 trong ngày 25/3, yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza trong tháng Ramadan và kêu gọi thả tất cả các con tin.
Ngày 26/3, người phát ngôn Cơ quan cứu trợ của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Jens Laerke kêu gọi Israel rút lại lệnh cấm vận chuyển thực phẩm tới phía Bắc Gaza, khẳng định rằng người dân nơi đây đang phải đối mặt với nguy cơ chết vì đói. Phát biểu tại cuộc họp báo của LHQ, ông Laerke nhấn mạnh: “Quyết định này cần phải được rút lại”.
Trong diễn biến liên quan, cũng trong ngày 26/3, lực lượng Hamas kêu gọi chấm dứt hoạt động thả đồ cứu trợ từ trên không xuống Gaza sau khi 12 người đã chết đuối và 6 người thiệt mạng vì giẫm đạp khi tìm cách lấy các gói lương thực được cứu trợ. Hamas cũng kêu gọi lập tức mở lại các cửa khẩu trên bộ để cho phép viện trợ nhân đạo đến được tay người dân tại Gaza.
Trong khi đó, bất chấp việc Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức” tại Gaza, giao tranh vẫn tiếp diễn. Quân đội Israel cho biết các máy bay chiến đấu của nước này đã tấn công hơn 60 mục tiêu tại Gaza trong ngày vừa qua, trong đó có các đường hầm ngầm, các hạ tầng và cấu trúc quân sự của Hamas.
Bộ Y tế Gaza cho biết 70 người đã thiệt mạng sáng 26/3, trong đó 13 người thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel ở TP Rafah. Tính từ khi bùng phát xung đột 5 tháng qua, hơn 32.400 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 74.700 người bị thương tại Dải Gaza.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)