* Thủ tướng Libăng kêu gọi giải pháp hòa bình cho xung đột Hezbollah - Israel
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 5/3 đã đưa ra cảnh báo về tình huống “rất nguy hiểm” nếu Israel và Hamas không đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.
Phát biểu với báo giới, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Nếu chúng ta rơi vào hoàn cảnh mà tình hình này tiếp tục kéo dài đến tháng Ramadan, Israel và Jerusalem có thể rất, rất nguy hiểm”.
Tháng lễ Ramadan năm nay sẽ bắt đầu vào ngày 10 hoặc 11/3 tùy theo lịch Hồi giáo.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng lưu ý “không có lý do gì” để Israel không tạo điều kiện để đưa thêm hàng cứu trợ vào Gaza.
Cũng trong ngày 5/3, người đứng đầu Văn phòng chính trị của Hamas ở Libăng - ông Osama Hamdan - nhấn mạnh việc trao đổi tù nhân và con tin với phía Israel chỉ có thể diễn ra sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.
Phát biểu họp báo ở Beirut, ông Hamdan đã nhắc lại những điều kiện của Hamas để đạt được thỏa thuận ngừng bắn gồm: Israel chấm dứt chiến dịch tấn công quân sự và rút toàn bộ các lực lượng khỏi Dải Gaza, đồng thời tạo điều kiện cho những người Palestine đang di tản trở về nhà.
Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã kêu gọi Hamas chấp nhận “lệnh ngừng bắn ngay lập tức” với Israel khi phong trào Hồi giáo này gặp gỡ các nhà trung gian hòa giải Qatar và Ai Cập ở Cairo.
Phát biểu trong buổi tiếp Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani ở Washington, Ngoại trưởng Blinken phân tích: “Chúng ta có cơ hội đạt được thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức để đưa các con tin về nhà, kết quả đó có thể làm gia tăng đáng kể lượng viện trợ nhân đạo đến với những người Palestine đang rất cần, đồng thời thiết lập các điều kiện cho một giải pháp lâu dài”.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Mỹ cũng hối thúc Israel tối đa hóa “mọi phương tiện có thể” để đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza, khẳng định tình hình hiện tại ở vùng đất đông dân cư này là không thể chấp nhận được và không bền vững.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 5/3 ước tính có 8.000 bệnh nhân cần sơ tán khỏi Gaza, bày tỏ lo ngại trước thực trạng có quá ít bệnh nhân được đưa ra khỏi dải đất đang chìm trong xung đột này.
Trong cuộc họp báo trực tuyến, đại diện của WHO tại các vùng lãnh thổ Palestine Rik Peeperkorn cho biết việc sơ tán số bệnh nhân trên khỏi Gaza sẽ giúp giảm tải cho các cơ sở y tế và bệnh viện hiện đang gặp nhiều khó khăn để duy trì hoạt động trong vùng chiến sự.
Theo ông, có khoảng 6.000 trong số 8.000 bệnh nhân nói trên cần điều trị do ảnh hưởng của xung đột, trong đó có nhiều bệnh nhân đa chấn thương... Ông cho biết 2.000 ca còn lại là bệnh nhân thông thường từ trước khi xung đột bùng nổ.
Ông nêu thực trạng mỗi ngày hiện có 50 đến 100 bệnh nhân được chuyển từ Gaza tới Đông Jerusalem và Bờ Tây, trong đó có một nửa là bệnh nhân ung thư.
Tính từ ngày 7/10/2023 - thời điểm xung đột bùng nổ, đến 20/2/2024, đã có 2.293 bệnh nhân được chuyển khỏi Gaza để được tiếp tục điều trị. WHO công bố thông tin trên trong bối cảnh Israel vẫn mở rộng chiến dịch quân sự tại Gaza và cuộc khủng hoảng nhân đạo tại dải đất ngày ngày một trầm trọng.
Ông Peeperkorn cho biết WHO đã tìm cách thúc đẩy hệ thống sơ tán y tế tại Gaza từ tháng 11 năm ngoái, song đến nay hoạt động sơ tán y tế diễn ra khá chậm chạp. Ông nhấn mạnh quyền của bệnh nhân được chữa trị tốt hơn.
Ông Peeperkorn cho biết 23 trong số 36 bệnh viện ở Dải Gaza hiện không hoạt động, trong khi số còn lại chỉ hoạt động một phần hoặc tối thiểu.
Trong diễn biến liên quan, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin nước này đã huy động một máy bay chở vật tư y tế cứu trợ cho Gaza, ngoài ra nước này cũng sẽ chuyển 2.700 tấn hàng hóa cho dải đất này trước tháng lễ Ramanda của người Hồi giáo. Kể từ khi xung đột bùng nổ vào ngày 7/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã viện trợ 3.000 tấn hàng hóa cho Gaza.
Trong bối cảnh xung đột tại Gaza chưa có dấu hiệu chấm dứt, ngày 5/3, phóng viên TTXVN tại Rome cho biết Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Ý Antonio Tajani đã kêu gọi lệnh ngừng bắn bền vững ở Gaza. Ông bày tỏ quan ngại nhiều dân thường Palestine đang trở thành nạn nhân trong chiến dịch quân sự của Israel.
Trong diễn biến khác, Thủ tướng Libăng Najib Mikati ngày 5/3 đã kêu gọi Israel rút khỏi tất cả các vùng lãnh thổ Libăng bị chiếm đóng, đồng thời hối thúc một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Libăng - Israel ở biên giới phía Nam.
Tuyên bố của Hội đồng Bộ trưởng Libăng dẫn lời ông Mikati nhấn mạnh "cần hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột", yêu cầu Israel phải thực hiện các nghị quyết quốc tế và rút quân khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Libăng.
Phát biểu của Thủ tướng Mikati được đưa ra tại Diễn đàn Ả-rập về Phát triển bền vững do Ủy ban Kinh tế và Xã hội của LHQ khu vực Tây Á (ESCWA) tổ chức tại thủ đô Beirut của Libăng.
Thủ tướng Libăng đánh giá rằng cuộc xung đột đang diễn ra ở khu vực miền Nam gây áp lực to lớn cho nước này, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các vấn đề trong khu vực.
Theo các nguồn tin an ninh Libăng, các vụ pháo kích và không kích qua lại giữa Hezbollah và Israel đã khiến 336 người thiệt mạng bên phía Libăng, trong đó có 226 thành viên Hezbollah và 62 thường dân.
Theo TTXVN/Vietnam+