Ngày 27/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã “bật đèn xanh” cho một dự luật quan trọng nhằm phục hồi thiên nhiên của Liên minh châu Âu (EU).
Dự luật được thông qua với 329 phiếu ủng hộ và 275 phiếu chống, dù đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhóm lớn nhất trong EP, tuyên bố sẽ không ủng hộ để thể hiện tinh thần đoàn kết với những người nông dân. Theo dự luật, 27 nước thành viên EU cần triển khai các biện pháp để phục hồi ít nhất 20% diện tích đất và biển của khối vào năm 2030.
Đây là phần trọng tâm trong các mục tiêu bảo vệ môi trường của EU theo Thỏa thuận Xanh - gói chính sách giúp khối đạt được các mục tiêu về khí hậu, nhưng bị những người nông dân cho là đe dọa đến sinh kế của họ.
Ông Cesar Luena, một trong những nghị sĩ hàng đầu ủng hộ dự luật, đánh giá đây là cột mốc quan trọng đối với châu Âu khi khối này chuyển từ mục tiêu bảo vệ và bảo tồn sang phục hồi thiên nhiên. Luật mới cũng sẽ giúp EU thực hiện những cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.
Dự luật trên sẽ có hiệu lực sau khi các nước thành viên chính thức thông qua. Cuộc bỏ phiếu về dự luật diễn ra sau nhiều tuần nông dân biểu tình trên khắp châu Âu.
Một trong những nguyên nhân khiến nông dân châu Âu xuống đường biểu tình là Thỏa thuận Xanh của EU mà họ cho rằng đã gây ra tình trạng quan liêu quá mức đối với nông dân.
Cùng ngày 27/2, các nghị sĩ EU cũng thông qua các quy định mới nhằm trấn áp tội phạm về môi trường. Theo đó, số hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường theo luật hình sự EU tăng từ 9 hiện nay lên 18. Những hành vi như buôn bán gỗ, nhập khẩu các loài ngoại lai xâm lấn và làm cạn kiệt tài nguyên nước một cách trái phép đều sẽ bị xử lý theo luật hình sự.
Các công ty vi phạm có thể đối mặt với án phạt lên tới 40 triệu euro (43 triệu USD), bị rút giấy phép hoạt động, cấm tiếp cận nguồn công quỹ hoặc nguy cơ đóng cửa.
Các cá nhân, trong đó có đại diện công ty, phạm tội về môi trường dẫn đến tử vong có thể lĩnh án phạt 10 năm tù. Những người phạm tội còn có thể bị buộc phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại đã gây ra. Các nhà đàm phán của Nghị viện và 27 quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận tạm thời về văn bản này vào tháng 11/2023.
Dự luật sẽ có hiệu lực sau khi được các nước thành viên chính thức thông qua.
Theo TTXVN/Vietnam+