* Bệnh Đậu mùa Khỉ: Nhật Bản có ca tử vong đầu tiên, Campuchia thêm ca mắc
Ngày 13/12, Malaysia kêu gọi tất cả người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19, sau khi ghi nhận 13.000 ca bệnh trong Tuần dịch tễ học lần thứ 49 (ME49) từ ngày 3 - 9/12, so với 6.796 trường hợp trong ME48.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, lãnh đạo Bộ Y tế Malaysia, ông Muhammad Radzi Abu Hassan cảnh báo số ca bệnh có thể sẽ tiếp tục tăng cao do hoạt động đi lại, du lịch, gặp gỡ trong dịp nghỉ lễ, đồng thời bày tỏ lo ngại về tình trạng quá tải đối với các cơ sở chăm sóc y tế.
Ngoài ra, ông Radzi cũng cập nhật thông tin về việc đã ghi nhận 21 trường hợp nhiễm biến thể đáng lo ngại (VOC) và 5 trường hợp thuộc biến thể đáng quan tâm (VOI).
Các biến thể Omicron được xác định ở Malaysia chủ yếu là XBB.1.16, XBB.1.5 và EG.5.5, có khả năng lây nhiễm cao song nhìn chung không gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Để bảo vệ những người có nguy cơ mắc cao, đặc biệt là từ 60 tuổi trở lên, có nhiều bệnh lý như béo phì, hệ miễn dịch bị tổn thương hoặc đang dùng các thuốc điều trị bệnh mãn tính, ông Radzi khuyến nghị người dân nên tham khảo ý kiến của bác sỹ trong việc sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid - thuốc có hiệu quả khi sử dụng trong vòng 5 ngày, kể từ khi xuất hiện triệu chứng.
Trước đó, ngày 8/12, Bộ trưởng Y tế Malaysia Zaliha Mustafa đưa ra khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng dịp cuối năm.
Bộ trưởng Y tế Zaliha nêu rõ hiện số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trên toàn cầu, bao gồm cả ở Malaysia, phù hợp với xu hướng thường xảy ra vào cuối năm và tương tự tại các quốc gia khác.
* Ngày 13/12, Bộ Y tế Nhật Bản thông báo một bệnh nhân nam giới sinh sống tại tỉnh Saitama gần thủ đô Tokyo đã tử vong do bệnh Đậu mùa Khỉ. Đây là ca tử vong đầu tiên do bệnh này tại Nhật Bản.
Thông tin từ Bộ Y tế Nhật Bản, bệnh nhân này ở độ tuổi 30, nhiễm HIV và không có lịch sử đi lại trước đó. Nhật Bản ghi nhận ca đầu tiên mắc bệnh Đậu mùa Khỉ vào tháng 7/2022.
Tháng 5 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố bệnh Đậu mùa Khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế, trong bối cảnh số ca mắc mới giảm.
Trong khi đó, tại Campuchia, Bộ Y tế nước này cùng ngày thông báo phát hiện thêm một trường hợp dương tính với virus Đậu mùa Khỉ tại thủ đô Phnom Penh. Đây là ca mắc Đậu mùa Khỉ thứ 2 được xác nhận tại nước này kể từ tháng 7/2022.
Thông báo của Bộ Y tế Campuchia cho biết ca bệnh Đậu mùa Khỉ được ghi nhận ở một nam bệnh nhân 28 tuổi, sinh sống tại ấp Pesey, phường Teuk Thla, quận Sen Sok, thủ đô Phnom Penh, bắt đầu có triệu chứng từ ngày 30/11.
Kết quả xét nghiệm ngày 11/12 cho thấy bệnh nhân dương tính với virus Đậu mùa Khỉ. Người này đã được đưa đi cách ly.
Các đội ứng phó khẩn cấp của Bộ Y tế cấp Quốc gia và của thủ đô Phnom Penh đã và đang phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tích cực điều tra, xác định nguồn lây nhiễm, xác định các trường hợp nghi ngờ và bệnh nhân để ngăn ngừa lây lan trong cộng đồng, đồng thời thực hiện chiến dịch giáo dục sức khỏe cho người dân tại khu vực phát hiện ca bệnh.
Trong thông báo, Bộ Y tế Campuchia cũng khuyến cáo về cách thức lây nhiễm và biện pháp phòng tránh bệnh Đậu mùa Khỉ, đồng thời yêu cầu đội ngũ nhân viên y tế nâng cao nhận thức và giáo dục cho người chăm sóc, cũng như thực hiện phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng trong bệnh viện hoặc trung tâm y tế theo đúng quy trình kỹ thuật.
Đậu mùa Khỉ vốn là bệnh lưu hành tại khu vực châu Phi, song trong năm 2022, số ca mắc tại khu vực châu Âu tăng đột biến, khiến WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về bệnh Đậu mùa Khỉ vào tháng 7 cùng năm.
Đậu mùa Khỉ có thể lây nhiễm thông qua tiếp xúc với dịch tiết từ người mang bệnh. Triệu chứng bệnh Đậu mùa Khỉ có thể dễ dàng nhận biết như sốt cao, đau cơ, hạch bạch huyết, phát ban...
Thông thường bệnh này có thể kéo dài 2-4 tuần và thời gian ủ bệnh trước khi xuất hiện triệu chứng là từ 5 đến 21 ngày.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)