* Nepal quyết định cấm ứng dụng chia sẻ video TikTok
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Công ty Meta đã kháng cáo việc 2 dịch vụ của mình, Messenger và Marketplace, bị đưa vào danh sách theo dõi hay "người gác cổng - gatekeeper” ở châu Âu.
Đây được xem là động thái đầu tiên của công ty công nghệ thuộc nhóm “Big Tech” trước các quy tắc mới của Liên minh Châu Âu (EU), trong đó đặt ra quy định về điều nên làm và không nên làm đối với các dịch vụ trực tuyến.
Tháng 9 vừa qua, EU công bố danh sách các doanh nghiệp bị áp đặt quy chế đặc biệt căn cứ theo Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA), có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2024.
Các dịch vụ như Facebook, Instagram, Marketplace và WhatsApp của Meta bị xác định là "người gác cổng - gatekeeper” theo DMA, đạo luật được xây dựng để tạo sân chơi bình đẳng giữa nhóm “Big Tech” và các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn.
Người phát ngôn của Meta cho biết: “Khiếu nại này nhằm làm rõ các điểm cụ thể liên quan đến việc đưa Messenger và Marketplace vào danh sách theo dõi. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không đưa ra khiếu nại cho các dịch vụ khác như Facebook, Instagram và WhatsApp”.
Theo Meta, Marketplace là dịch vụ được xây dựng để kết nối người tiêu dùng với người tiêu dùng nên nó không thể nằm trong định nghĩa về dịch vụ trung gian trực tuyến, trong khi Messenger chỉ đơn giản là một chức năng trò chuyện.
Trước đó, DMA yêu cầu Microsoft, Apple, Alphabet, Amazon, Meta và ByteDance cho phép các ứng dụng hoặc cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba trên nền tảng của họ và giúp người dùng chuyển từ ứng dụng mặc định sang ứng dụng của đối thủ dễ dàng hơn.
Các cơ quan quản lý chống độc quyền của EU cũng đang điều tra xem liệu Bing của Microsoft và iMessage của Apple có tuân thủ quy định mới hay không.
Một số phương tiện truyền thông cho biết Microsoft và Google sẽ không phản đối việc chỉ định bị đưa vào danh sách theo dõi, trong khi TikTok có thể sẽ đưa ra kháng cáo.
* Nepal vừa đưa thông báo quốc gia này quyết định cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok do quan ngại những tác động tiêu cực của ứng dụng này đến sự hòa hợp xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Rekha Sharma cho biết lệnh cấm được đưa ra cùng ngày và các cơ quan liên quan đang xử lý các vấn đề mang tính kỹ thuật.
Theo Bộ trưởng Sharma, lệnh cấm này xuất phát từ việc TikTok thường xuyên được sử dụng để chia sẻ nội dung "gây mất cân bằng xã hội và phá vỡ các cấu trúc gia đình, cũng như các mối quan hệ xã hội".
Nhiều giờ sau khi nhà chức trách công bố quyết định trên, video về lệnh cấm đã thu hút hàng nghìn lượt xem trên chính ứng dụng này.
Trước đó một vài ngày, Chính phủ Nepal đã ban hành chỉ thị yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội hoạt động tại nước này phải thành lập văn phòng đại diện.
Theo công ty truyền thông xã hội We Are Social, TikTok - thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc) - là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều thứ 6 thế giới và thu hút khoảng 1 tỉ người dùng mỗi tháng.
Tuy nhiên, nền tảng này đang đối mặt với các hạn chế tại nhiều quốc gia do vi phạm các quy định về dữ liệu cũng như do tác động tiềm tàng đối với giới trẻ.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)