Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trung bình cứ 10 phút lại có 1 trẻ em thiệt mạng do xung đột giữa phong trào Hamas và Israel tại Dải Gaza, đồng thời cảnh báo "không nơi nào và không ai được an toàn".
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an LHQ ngày 10/11, ông Ghebreyesus đã đưa ra báo cáo trên và cho biết khoảng 50% trong số 36 bệnh viện và khoảng hơn 60% trung tâm chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Gaza hiện không hoạt động và những cơ sở còn lại đang bị quá tải.
Theo ông, các hành lang bệnh viện chật cứng người bị thương từ nặng đến nhẹ, nhà xác cũng quá tải, các cuộc phẫu thuật không có thuốc gây mê.
Hàng chục nghìn người phải di dời đang trú ẩn tại các bệnh viện. Ông Ghebreyesus cho biết thêm kể từ ngày 7/10 đến nay, WHO đã xác minh có hơn 250 cuộc tấn công nhằm vào cơ sở y tế tại Gaza và Bờ Tây, trong khi có 25 cuộc tấn công tương tự ở Israel.
Trong khi đó, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo LHQ (OCHA) cảnh báo tình hình lương thực ở khu vực phía Bắc Dải Gaza đang xấu đi khi các đối tác không thể hỗ trợ trong 8 ngày qua. Tính đến ngày 9/11, không có cửa hàng bánh mì nào còn mở cửa vì thiếu nhiên liệu, nước và bột mì.
Ở khu vực phía Nam Dải Gaza, tình hình cũng tương tự khi cơ sở sản xuất bánh mì duy nhất còn hoạt động trước đó cũng đã đóng cửa do không có điện và nhiên liệu. Người dân đang xếp hàng hàng giờ trước các cửa hàng bánh mì, những nơi có thể gặp nguy hiểm do xung đột.
Một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu như gạo, dầu ăn, gần như cạn kiệt trên thị trường. Các mặt hàng khác như bột mì, các sản phẩm từ sữa, trứng và nước uống, cũng không có tại các cửa hàng trên khắp Gaza trong 2 ngày qua.
Trong diễn biến khác, theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Ấn Độ và Mỹ đã ký một tuyên bố chung bày tỏ ủng hộ "khoảng dừng nhân đạo" trong cuộc xung đột Hamas - Israel, và nhằm “ngăn xung đột lan rộng” ở Trung Đông.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh của Ấn Độ cùng với Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J Austin của Mỹ tham dự Đối thoại cấp bộ trưởng Ấn-Mỹ 2+2 vào ngày 10/11 tại thủ đô New Delhi.
Tuyên bố cũng kêu gọi Hamas thả những người bị bắt làm con tin. Các bộ trưởng cũng đã cam kết tiếp tục phối hợp với các đối tác trong khu vực về hỗ trợ nhân đạo nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân Palestine ở Dải Gaza. Họ bày tỏ ủng hộ thực hiện "khoảng dừng nhân đạo" vì lý do nhân đạo và cam kết tiếp tục phối hợp ngoại giao chặt chẽ, trong đó với cả các đối tác quan trọng trong khu vực, để ngăn xung đột lan rộng, duy trì sự ổn định ở Trung Đông và nỗ lực hướng tới một giải pháp chính trị và hòa bình lâu dài.
Ngoại trưởng Jaishankar đã nhắc lại quan điểm của Ấn Độ rằng nước này luôn ủng hộ giải pháp hai nhà nước và sớm nối lại đối thoại. Ông cho biết thêm Ấn Độ đã gửi khoảng 38 tấn hàng viện trợ nhân đạo để hỗ trợ Dải Gaza. Theo ông Jaishankar, Ấn Độ đã yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt luật nhân đạo quốc tế, giảm leo thang tình hình và đồng thời lên án những hành động gây thương vong cho dân thường.
Trong khi đó, ngày 10/11, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết chính quyền Palestine có thể đóng một vai trò trong việc quản lý Dải Gaza, với điều kiện là có một giải pháp chính trị toàn diện, trong đó tính cả khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng. Ông cho rằng chính quyền Palestine có thể là một phần của giải pháp chính trị toàn diện hơn với tư cách là một Nhà nước Palestine độc lập.
Theo ông Abbas, Gaza là một phần không thể thiếu của Nhà nước Palestine trong tương lai và Palestine sẽ đảm nhận toàn bộ trách nhiệm trong khuôn khổ một giải pháp chính trị toàn diện, bao gồm cả Bờ Tây, Đông Jerusalem và Gaza. Ông Abbas cũng cho rằng cần phải tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế để vạch ra các mốc thời gian cụ thể được cộng đồng quốc tế hỗ trợ.
Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cùng ngày tuyên bố Quân đội Israel (IDF) sẽ nắm quyền kiểm soát Dải Gaza sau khi xung đột Hamas - Israel kết thúc. Trong cuộc họp tại Tel Aviv với lãnh đạo các thị trấn gần Gaza, Thủ tướng Netanyahu cho hay Israel sẽ kiểm soát an ninh toàn bộ Dải Gaza, trong đó có cả việc phi quân sự hóa hoàn toàn vùng lãnh thổ này.
Cũng trong ngày 10/11, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa cho hay, Tokyo sẽ đi đầu trong các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng sâu sắc ở Dải Gaza trong bối cảnh cuộc chiến leo thang giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas.
Trả lời phỏng vấn Kyodo News, bà Kamikawa cho biết Nhật Bản sẽ chủ động liên lạc với các quốc gia liên quan nhằm hiện thực hóa "giải pháp hai nhà nước" để thành lập một nhà nước Palestine độc lập cùng với Israel nhằm giải quyết cuộc xung đột lâu dài giữa hai bên.
Ngoại trưởng Kamikawa nhấn mạnh rằng Nhật Bản có thể tổ chức đối thoại với Israel, Palestine và các nước Trung Đông. Bà Kamikawa khẳng định: “Chúng tôi sẽ hướng tới cải thiện tình hình nhân đạo và giúp giảm căng thẳng trong thời gian ngắn, đồng thời tiếp cận họ để hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước trong dài hạn”.
Với việc Nhật Bản sẽ đồng chủ trì Diễn đàn Người tị nạn Toàn cầu tại Geneva vào giữa tháng 12 tới, bà Kamikawa nhấn mạnh Tokyo sẽ khuyến khích các quốc gia khác tăng cường hỗ trợ cho người tị nạn vì dự kiến có thêm nhiều dân thường Palestine bị buộc phải rời bỏ nhà cửa.
Cơ quan y tế tại Dải Gaza ngày 10/11 cho biết kể từ khi cuộc xung đột Hamas - Israel bùng phát cách đây hơn 1 tháng, số người Palestine thiệt mạng hiện đã tăng lên 11.078 người. Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel đã điều chỉnh số người thiệt mạng bên phía Israel do xung đột xuống 1.200 người từ thông báo 1.400 người trước đó.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)