* Tình hình tại Israel làm tê liệt một loạt lĩnh vực kinh tế
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi chấm dứt vòng luẩn quẩn bạo lực giữa người Palestine và người Israel.
Trong một tuyên bố ngày 9/10, Tổng Thư ký Guterres nêu rõ tình trạng bạo lực hiện nay có nguyên nhân gốc rẽ là cuộc xung đột lâu dài từ hàng chục năm trước và "chưa có hồi kết chính trị". Ông nhấn mạnh đã đến lúc chấm dứt vòng luẩn quẩn này.
Theo nhà lãnh đạo LHQ, chỉ có một nền hòa bình đạt được thông qua đàm phán đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người Palestine và Israel, cùng với vấn đề an ninh của họ - như tầm nhìn lâu dài về giải pháp hai nhà nước, phù hợp với các nghị quyết của LHQ, luật pháp quốc tế và các thỏa thuận trước đây, mới có thể mang lại sự ổn định lâu dài cho người dân vùng đất này và khu vực Trung Đông rộng lớn hơn.
Tổng Thư ký Guterres bày tỏ phản đối các cuộc tấn công của Hamas và lo ngại về các hành động đáp trả của Israel. Ông đánh giá tình hình ở Gaza là "vô cùng nghiêm trọng" và sẽ "chỉ xấu đi theo cấp số nhân".
Tổng Thư ký nhấn mạnh công tác cứu trợ và đưa các vật tư thiết yếu vào khu vực này cần được tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho "những người dân thường Palestine bị mắc kẹt và bế tắc ở Dải Gaza". Ông thể hiện sự quan ngại về cuộc "bao vây hoàn toàn" khu vực này của Israel, có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 2,3 triệu dân tại đây.
Cũng trong ngày 9/10, theo hãng tin chính thức WAFA, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã kêu gọi LHQ can thiệp để ngăn ngừa xảy ra thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza. Người phát ngôn Bộ Y tế Palestine cho biết các cuộc tấn công của Israel vào các mục tiêu của Hamas tại Dải Gaza đã khiến 687 người Palestine thiệt mạng và 3.726 người bị thương.
Nhiều quốc gia tiếp tục bày tỏ quan ngại về cuộc xung đột hiện nay tại Dải Gaza cũng như thúc đẩy các nỗ lực hòa giải. Theo Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, nhà lãnh đạo này đã hủy cuộc họp nội các thường kỳ để tiến hành các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Tổng thống Israel Isaac Herzog cũng như Thủ tướng Liban Najib Mikati.
Tổng thống Erdogan khẳng định ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine và ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine. Ông đồng thời đề xuất làm trung gian hòa giải để chấm dứt bạo lực giữa hai bên.
Quốc vương Abdullah II của Jordan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiềm chế leo thang căng thẳng, bảo vệ dân thường và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế.
Ông đồng thời nhấn mạnh vai trò của LHQ trong việc kêu gọi các nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt leo thang, tái khẳng định tầm quan trọng của việc tìm ra giải pháp công bằng cho cuộc xung đột Palestine - Israel nhằm duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.
Ngoại trưởng các quốc gia thành viên Liên đoàn Ả-rập (AL) dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp bất thường tại thủ đô Cairo của Ai Cập vào ngày 11/10 để thảo luận về xung đột tại Dải Gaza.
Theo hãng tin AFP của Pháp, các nhà lãnh đạo của Mỹ, Pháp, Đức, Ý và Anh cũng đã thảo luận về những diễn biến bất ngờ tại Dải Gaza, trong đó "ủng hộ nỗ lực tự vệ của Israel".
Tuyên bố chung do Nhà Trắng công bố nhấn mạnh các nước này "công nhận những nguyện vọng chính đáng của người dân Palestine", song cho rằng phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas không mang lại điều gì hữu ích cho người dân Palestine.
Trong khi đó, theo tuyên bố chung do Điện Elysee đưa ra cùng ngày, những nước trên kêu gọi Iran "không mở rộng xung đột ra ngoài Gaza" sau cuộc tấn công của Hamas. Cùng ngày, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết nước này không có ý định can thiệp quân sự vào cuộc xung đột lần này giữa Israel và phong trào Hamas.
Trong diễn biến có liên quan, ngày 9/10, Israel đã công bố kế hoạch khẩn cấp dự kiến được kích hoạt nếu các hãng hàng không nước ngoài dừng toàn bộ các chuyến bay đến nước này trong bối cảnh leo thang bạo lực giữa Israel và lực lượng Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza của Palestine.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Israel Miri Regev cho biết kế hoạch này nhằm hỗ trợ công dân Israel trở về nước trong trường hợp các hãng hàng không nước ngoài hủy các chuyến bay của họ.
Theo kế hoạch khẩn cấp, các hãng hàng không Israel sẽ tăng số lượng chuyến bay đến Israel tại 4 sân bay ở New York (Mỹ), Frankfurt (Đức), Athens (Hy Lạp) và Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất - UAE).
Bà Regev cũng cho biết sân bay Ramon gần thành phố Eilat ở cực Nam Israel sẽ được sử dụng để đón các chuyến bay quốc tế đến nước này.
Kể từ khi xảy ra giao tranh giữa quân đội Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza ngày 7/10 vừa qua, các hãng hàng không Israel đã bổ sung hơn 20 chuyến bay, đưa hơn 100.000 công dân Israel về nước.
Các hãng hàng không quốc tế lớn đã đình chỉ hoặc giảm số chuyến bay đến hoặc đi từ Tel Aviv sau khi lực lượng Hamas phóng hàng nghìn quả rocket từ Dải Gaza vào các thành phố Israel.
Theo trang mạng theo dõi chuyến bay Flightradar24, khoảng 50% số chuyến bay theo lịch trình đến hoặc đi từ Tel Aviv đã bị hủy vào ngày 8/10 và 30% số chuyến bay bị hủy ngày 9/10.
Các cơ quan quản lý hàng không, trong đó có Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu và Cơ quan Quản lý An toàn Hàng không Israel, đã khuyến cáo các hãng hàng không thận trọng khi bay qua không phận khu vực.
Cùng ngày 9/10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã kêu gọi phe đối lập tham gia thành lập Chính phủ Đoàn kết Dân tộc trong bối cảnh xung đột giữa nước này và Hamas. Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố: “Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo phe đối lập ngay lập tức thành lập Chính phủ Đoàn kết Dân tộc khẩn cấp mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”.
Ông Netanyahu khẳng định sẽ nỗ lực vì “sự đoàn kết của người dân” thông qua thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Các công ty toàn cầu đã tạm thời dừng một số hoạt động tại Israel và yêu cầu nhân viên làm việc từ xa sau các hoạt động của lực lượng Hamas đối với Israel cuối tuần qua.
Nhiều hãng hàng không của châu Á, châu Âu và Mỹ đã dừng các chuyến bay thẳng đến Tel Aviv. Trong đó, hãng hàng không Delta Air Lines cho biết đang tiếp tục theo dõi tình hình tại khu vực này và đã quyết định hủy các chuyến bay đến và đi từ Tel Aviv do Delta vận hành đến hết ngày 31/10.
Bên cạnh đó, các công ty vận hành tàu du lịch Royal Caribbean và Carnival cho biết đang điều chỉnh nhiều hành trình trong khu vực này và các khách hàng bị ảnh hưởng đang được thông báo trực tiếp.
Trong lĩnh vực năng lượng, một người phát ngôn của nhà sản xuất dầu khí lớn thứ hai của Mỹ Chevron đã được Bộ Năng lượng Israel chỉ thị đóng cửa mỏ khí tự nhiên Tamar ở ngoài khơi bờ biển phía bắc của nước này.
Các ngân hàng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Một nguồn thạo tin cho hay các ngân hàng JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Goldman Sachs đã yêu cầu nhân viên ở Israel làm việc tại nhà.
Theo một thông báo nội bộ của Bank of America (BofA), văn phòng tại Tel Aviv của ngân hàng này sẽ đóng cửa trong thời gian này, và BofA sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình sở tại trong những ngày tới.
Trong lĩnh vực vận tải và logistics, Adani Ports, công ty vận hành Cảng Haifa ở phía bắc Israel, cho biết cảng này vẫn hoạt động nhưng công ty sẽ theo dõi tình hình và đã sẵn sàng ứng phó với một kế hoạch duy trì hoạt động. Trong khi đó, công ty vận chuyển toàn cầu FedEx đã dừng dịch vụ tại Israel.
Còn trong lĩnh vực tiêu dùng và bán lẻ, H&M và Inditex SA cho biết các đối tác nhượng quyền của các công ty này đã tạm thời đóng cửa tất cả cửa hàng ở Israel. Inditex SA, nhà bán lẻ thời trang lớn nhất thế giới, hiện có 84 cửa hàng ở Israel, tất cả đều hoạt động dưới hình thức nhượng quyền.
Công ty dược phẩm Eli Lilly and Co cho biết đang theo dõi các diễn biến tại Israel và sẽ có các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho nhân viên ở trong và gần khu vực bị ảnh hưởng.
Công ty này cũng đang nỗ lực để đảm bảo tất cả các hoạt động vận hành quan trọng vẫn diễn ra nhằm duy trì nguồn cung không gián đoạn các sản phẩm thuốc cho bệnh nhân trong khu vực này.
Ngoài ra, Nvidia, nhà sản xuất chip dùng cho công nghệ trí tuệ nhân tạo và đồ họa máy tính lớn nhất thế giới, cũng đã hủy một hội nghị về AI dự kiến sẽ diễn ra tại Tel Aviv vào tuần tới.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)