Ngày 9/10, Phó Thủ lĩnh Chính trị của Phong trào Hồi giáo Hamas Moussa Abu Marzouk cho biết lực lượng này để ngỏ việc thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn có thể có với Israel, sau khi "đạt được mục tiêu".
Trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại của kênh truyền hình Al Jazeera, khi được hỏi liệu Hamas có sẵn sàng thảo luận về một lệnh ngừng bắn hay không, ông Abu Marzouk nhấn mạnh Hamas sẵn sàng đón nhận "tất cả các cuộc đối thoại chính trị" và "điều gì đó tương tự".
Cùng ngày, người phát ngôn của cánh vũ trang Hamas Abu Ubaida tuyên bố lực lượng này sẽ không đàm phán về những người Israel bị bắt giữ “khi đang hứng chịu hỏa lực”. Ông Abu Ubaida lưu ý Israel nên sẵn sàng "trả giá" để đổi lấy tự do cho những người bị bắt giữ.
Hamas tuyên bố lực lượng này đã bắt giữ hơn 100 người Israel, trong đó có cả các sĩ quan cấp cao. Một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay Qatar hiện đóng vai trò trung gian hòa giải nhằm thuyết phục Hamas trao đổi tù nhân với phía Israel.
Trong ngày 9/10, quân đội Israel cũng thông báo đã điều động một lực lượng kỷ lục 300.000 quân dự bị để đáp trả cuộc tấn công trên nhiều mặt trận của Hamas. Giao tranh những ngày qua đã khiến hơn 900 người ở Israel và khoảng 700 người ở Palestine thiệt mạng.
Cũng trong ngày 9/10, theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Thủ tướng Ả-rập Xê-út - Thái tử Mohammed bin Salman, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nikos Christodoulides để thảo luận các cách thức giảm leo thang bạo lực giữa Israel và lực lượng Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza của Palestine.
Trong cuộc điện đàm, Tổng thống El-Sis và Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman đã thảo luận những diễn biến nguy hiểm liên quan cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, cũng như mối đe dọa của tình trạng leo thang bạo lực đối với tính mạng dân thường và sự ổn định trong khu vực.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiềm chế trong giai đoạn quan trọng này nhằm làm dịu căng thẳng nhằm để tránh làm phức tạp thêm tình hình an ninh và nhân đạo.
Tổng thống El-Sisi và Thái tử Mohammed nhất trí tiếp tục tham vấn và phối hợp giữa Ai Cập và Ả-rập Xê-út trong thời gian tới để khẳng định tầm nhìn của khối Ả-rập về vấn đề Palestine, với mục tiêu đạt được một giải pháp toàn diện và công bằng trên cơ sở giải pháp hai nhà nước.
Cùng ngày, Tổng thống El-Sisi đã nhận được cuộc gọi từ Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. Hai bên nhất trí cho rằng cuộc xung đột giữa Hamas và Israel đang gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh trong khu vực, nhấn mạnh sự cần thiết phải dừng các hoạt động quân sự trên mọi mặt trận, bảo vệ dân thường thông qua các biện pháp tức thời nhằm ngăn chặn tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi, và tạo cơ hội cho các nỗ lực ngoại giao để xoa dịu tình hình, hồi sinh bầu không khí yên bình và khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông.
Ông El-Sisi cũng nêu bật sự cần thiết phải làm việc nghiêm túc để tìm kiếm giải pháp công bằng cho vấn đề Palestine phù hợp với các nghị quyết hợp pháp quốc tế, giữa lúc Ai Cập tiếp tục các nỗ lực của mình để hỗ trợ các bước đi trong tương lai liên quan vấn đề này, bên cạnh vai trò quan trọng của LHQ trong việc phối hợp với các bên tích cực trong cộng đồng quốc tế, nhằm đạt được hòa bình và an ninh bền vững ở Trung Đông.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Cyprus Nikos Christodoulides, Tổng thống El-Sisi, hai nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm về các nỗ lực đang diễn ra nhằm ngăn chặn leo thang bạo lực giữa Israel và Hamas.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố mọi nỗ lực ở cấp khu vực và quốc tế nhằm hối thúc các bên kiềm chế để tránh hậu quả nghiêm trọng cho dân thường.
Tổng thống El-Sisi khẳng định Ai Cập đang tiếp tục liên lạc chặt chẽ với các bên khác nhau để đạt được sự bình tĩnh và ngăn chặn leo thang bạo lực; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề Palestine từ cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng và thiết lập sự ổn định lâu dài trong khu vực.
Cuộc điện đàm cũng đề cập đến triển vọng tăng cường hợp tác song phương vững chắc giữa Ai Cập và Cyprus cũng như hợp tác trong khuôn khổ Cơ chế Hợp tác Ba bên với Hy Lạp.
Ngày 9/10, Tổng thống El Sisi cũng có cuộc điện đàm với Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan. Tổng thống El-Sisi và người đồng cấp UAE nhất trí về tầm quan trọng của việc phối hợp và tham vấn chuyên sâu cũng như thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm leo thang xung đột, bảo vệ dân thường, thúc đẩy các giải pháp để được nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài, cùng như củng cố an ninh và ổn định trong khu vực.
Trong diễn biến liên quan, Ai Cập đang triển khai những nỗ lực nhằm thúc đẩy một thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Israel và Phong trào Kháng chiến Hồi giao Hamas sau khi nổ ra cuộc xung đột mới giữa hai bên ngày 7/10.
Các nguồn tin tiết lộ với tờ Ahram Online rằng những nỗ lực của Ai Cập chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo trả tự do cho các tù nhân là phụ nữ và trẻ em Palestine bị Israel giam giữ, để đổi lấy việc Hamas thả các con tin là các nữ binh sĩ Israel bị bắt giữ trong Chiến dịch cơn lũ Al-Aqsa.
Tuy nhiên, các nguồn tin nhấn mạnh rằng “tình hình vẫn rất nhạy cảm và phức tạp, cũng như sự thành công của những nỗ lực môi giới là không chắc chắn”. Các nỗ lực trên là một phần trong sáng kiến giảm leo thang khu vực do Ai Cập triển khai nhằm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel, song có những lo ngại rằng tình hình có thể xấu đi hơn nữa.
Trong một diễn biến có liên quan, ngày 9/10, Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Palestine thông báo Ai Cập đã gửi đợt viện trợ y tế khẩn cấp đầu tiên tới dải Gaza qua cửa khẩu biên giới Rafah. Hoạt động này nhằm hỗ trợ những nỗ lực của Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Palestine trong việc cung cấp các dịch vụ y tế cần thiết cho người dân, trong bối cảnh leo thang căng thẳng hiện nay ở dải đất nghèo khó này.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Qahera News, người phát ngôn của Tổ chức Trăng Lưỡi liềm Đỏ Palestine, ông Mohamed Abu-Musbah, đã ca ngợi những đóng góp nhân đạo của người dân Ai Cập, cũng như sự hỗ trợ của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ nước này (ERC), đánh giá đây là việc làm có ý nghĩa giúp duy trì “huyết mạch” cho dải Gaza.
Ông lưu ý ERC thường xuyên liên lạc với đối tác ở dải Gaza nhằm triển khai hoạt động viện trợ cho người dân Palestine. Ông Abu-Musbah cũng cho biết nguồn dự trữ vật tư y tế chiến lược trong khu vực hiện đang ở mức báo động do tỉ lệ thương tích ngày càng gia tăng.
Trước đó, sáng 9/10, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador tuyên bố nước này không ủng hộ bên nào trong cuộc xung đột vũ trang Israel - Hamas, khẳng định quan điểm mong muốn duy trì hòa bình, đồng thời hối thúc LHQ (UN) nhanh chóng tìm ra hướng giải quyết.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, Tổng thống Obrador nhấn mạnh chính sách đối ngoại đã được ghi trong Hiến pháp nước này, trong đó chỉ rõ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và quyền tự quyết của quốc gia khác, cũng như luôn ủng hộ quan điểm duy trì hòa bình, ổn định và tránh xung đột vũ trang.
Khẳng định vũ lực là sự lựa chọn tồi tệ nhất để giải quyết các vấn đề, ông Obrador bày tỏ sự chia sẻ trước những khổ đau và mất mát to lớn mà người dân Israel cũng như Palestine đang phải hứng chịu trong những ngày vừa qua.
Trong một diễn biến liên quan, Mexico sáng cùng ngày đã điều một máy bay vận tải quân sự cỡ lớn sang Tel Aviv để sơ tán công dân, đồng thời chuyên chở vật phẩm nhân đạo hỗ trợ cho người dân sở tại. Chuyến bay thứ 2 dự kiến sẽ cất cánh vào chiều cùng ngày.
Theo kế hoạch, chuyến bay thứ nhất của Không lực Mexico (FAM) sẽ hồi hương khoảng 142 công dân nước này, trong khi chuyến bay thứ 2 sẽ sơ tán nốt số người còn lại trong số 300 công dân Mexico tại Israel đăng ký về nước. Tính đến sáng 9/10, Bộ Ngoại giao Mexico xác nhận 3 công dân nước này được cho là đã mất tích trong cuộc xung đột vũ trang diễn ra 2 ngày qua giữa Israel và lực lượng Hamas.
Trong một diễn biến liên quan tới cuộc xung đột Israel - Hamas, Chính phủ Indonesia cũng bắt đầu chuẩn bị kế hoạch dự phòng để sơ tán công dân khỏi dải Gaza khi xung đột giữa Palestine và Hamas leo thang.
Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 9/10 thông báo ít nhất 10 công dân Indonesia cư trú tại dải Gaza và cho đến nay không ai trong số này bị thương. 3 công dân Indonesia khác đã trở về nước qua Ai Cập.
Người đứng đầu cơ quan bảo hộ công dân, Bộ Ngoại giao Indonesia, Judha Nugraha, cho biết: “Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đại sứ quán Indonesia ở Jordan, Ai Cập và Libăng để theo dõi tình hình và chuẩn bị kế hoạch dự phòng”.
Theo số liệu mới đây của Bộ Ngoại giao Indonesia, nước này có khoảng 45 công dân cư trú ở Bờ Tây và dải Gaza cùng với 230 khách du lịch hiện đang ở Israel. Trong bối cảnh xung đột leo thang giữa Palestine và Hamas, ông Judha Nugraha kêu gọi người Indonesia cư trú tại Palestine nâng cao cảnh giác và tạm tránh các khu vực xung đột.
Trong khi đó, theo hãng tin TASS, ngày 9/10, Đại sứ quán Nga tại Israel đưa tin ít nhất 4 công dân Nga chính thức mất tích ở Israel song không có dữ liệu xác nhận có người Nga thiệt mạng trong cuộc xung đột này, tính đến 16h cùng ngày theo giờ Moscow (20 giờ cùng ngày giờ Việt Nam).
Người phát ngôn Đại sứ quán Nga tại Israel Marina Ryazanova nêu rõ: "Chúng tôi đã nhận được những lời cầu khẩn từ người thân của các công dân Nga mà chúng tôi không thể liên lạc được. Chúng tôi đang nói về 9 người, cả những người thường trú và những người sinh sống tạm thời ở Israel. 4 người trong số họ nằm trong danh sách những người mất tích do phía Israel cung cấp".
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)