Sáng 23/9, tại Đà Nẵng, Bộ TT&TT đã tổ chức họp báo thông báo các kết quả chính của Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (AMRI 16) và Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN+3 lần thứ 7 (AMRI+3).
Hội nghị AMRI 16 đã được Việt Nam đăng cai tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam từ ngày 22- 23/9; với chủ đề xuyên suốt là "Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng".
Nhiều nội dung của hội nghị được thông qua
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông cho biết, Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 đã đạt nhiều kết quả, trong đó, các Bộ trưởng đã khẳng định và định vị vai trò của ngành Thông tin trong giai đoạn mới là từ "thông tin" tới "tri thức" - thông tin sẽ trở thành một phương tiện tích cực cho việc học tập trọn đời và nâng cao nhận thức, trình độ kỹ thuật số cho công dân ASEAN.
Đây là xu thế tất yếu của chuyển đổi số, ảnh hưởng của mạng xã hội, các phương tiện truyền thông mới, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.
Các Bộ trưởng khuyến khích đối thoại và gắn kết nhiều hơn nữa giữa truyền thông, cộng đồng, người dân nhằm thúc đẩy tính toàn diện hơn về thông tin, kêu gọi sự hợp tác của khu vực để xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh, thông qua nâng cao năng lực số, thúc đẩy tối đa hóa các nguồn thông tin đáng tin cậy để xây dựng lòng tin, định hướng dư luận, tăng cường kỹ năng số cho công dân ASEAN, đặc biệt là thế hệ trẻ và người cao tuổi.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, các bộ trưởng phụ trách thông tin ASEAN đã thông qua các văn kiện mới và ghi nhận kết quả, tiến trình đạt được của các khuôn khổ hợp tác trong lĩnh vực thông tin, bao gồm:
Thông qua Tuyên bố Tầm nhìn AMRI "ASEAN 2035: Hướng tới một Ngành Thông tin và Truyền thông có tính Chuyển đổi, Thích ứng, và Tự cường" nhằm thúc đẩy đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và hỗ trợ triển khai Kế hoạch tương ứng trên 3 trụ cột ASEAN.
Các bộ trưởng nhấn mạnh giải quyết các thách thức và tận dụng cơ hội nảy sinh từ sự hội tụ, chuyển đổi kỹ thuật số nhanh chóng sau năm 2025, khẳng định vai trò chuyển đổi của truyền thông trong việc trao quyền cho cá nhân, cộng đồng và xã hội và chuyển đổi từ việc tiêu thụ thông tin thụ động hướng tới việc tiếp thu kiến thức một cách chủ động, khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN xem xét việc xây dựng Kế hoạch tổng thể về Chuyển đổi kỹ thuật số cho Báo chí và Truyền thông.
Thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về "Truyền thông: Từ Thông tin đến Tri thức vì một ASEAN Tự cường và Thích ứng", trong đó công nhận vai trò then chốt của truyền thông trong việc đóng góp vào mục tiêu hướng đến công dân được trang bị kiến thức, thúc đẩy tiếp thu kiến thức như động lực để thúc đẩy một Cộng đồng ASEAN tự cường và thích ứng, đồng thời thúc đẩy bản sắc ASEAN để thúc đẩy sự gắn kết xã hội và làm sâu sắc thêm ý thức là một phần của khu vực nhằm hành động trước bối cảnh truyền thông đang thay đổi do chuyển đổi kỹ thuật số.
Thông qua Kế hoạch Hành động của Nhóm Đặc trách ASEAN về Tin Giả (PoA of TFFN). Đây là một trong những nỗ lực không ngừng của ngành thông tin trong việc thể chế hóa cơ chế trong khu vực nhằm giải quyết sự gia tăng của các mối đe dọa bất đối xứng bao gồm tin giả, thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch, quan điểm cực đoan và chủ nghĩa cực đoan.
Thông qua Hướng dẫn "Quản lý Thông tin của Chính phủ trong việc chống lại thông tin giả mạo và thông tin sai sự thật trong truyền thông" nhằm xây dựng một khuôn khổ về cách các chính phủ có thể ứng phó với thông tin sai sự thật hoặc gây hiểu lầm đang được phổ biến trên các phương tiện truyền thông hoặc trên các nền tảng truyền thông xã hội; thiết lập các tiêu chuẩn và thông lệ tốt cho các quan chức thông tin của chính phủ; nâng cao tính chính xác và độ tin cậy, cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các hoạt động truyền thông của chính phủ; cải thiện sự phối hợp giữa các cơ quan chính phủ, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng hoặc các trường hợp khẩn cấp; và để đảm bảo rằng thông tin của chính phủ minh bạch và có trách nhiệm.
Các Bộ trưởng cũng cập nhật, hoan nghênh tiến độ thực hiện kế hoạch "Chiến lược dành cho Thông tin và Truyền thông ASEAN (2016-2025)" cũng như ủng hộ xây dựng Kế hoạch cho giai đoạn mới để đóng góp hơn nữa cho việc hiện thực hóa vai trò của thông tin truyền thông đối với thúc đẩy xây dựng ASEAN tự cường và thích ứng, phù hợp với Tuyên bố Tầm nhìn AMRI.
Phê duyệt các báo cáo kết quả từ 3 Nhóm công tác trực thuộc Hội nghị Quan chức cấp cao phụ trách về Thông tin ASEAN (SOMRI) và đánh giá cao tầm quan trọng của 3 Nhóm công tác nhằm tiếp tục phát triển lĩnh vực thông tin trong bối cảnh chuyển đổi số nhanh chóng, cũng như thúc đẩy không gian mạng an toàn và bảo mật cho mọi công dân ASEAN, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội bao gồm người già, thanh niên, trẻ em và người khuyết tật.
Cập nhật và hoan nghênh tiến độ Kế hoạch "Tổng thể Truyền thông ASEAN giai đoạn 2018-2025 (ACMP II)" trong việc thúc đẩy một cộng đồng, cơ hội cho tất cả mọi người.
Ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động/dự án của Ủy ban Văn hóa và Thông tin ASEAN (COCI) tập trung nâng cao năng lực cho ngành thông tin và truyền thông (trong đó, hoan ngênh việc tổ chức Diễn đàn "ASEAN về Ứng phó và Xử lý Tin sai sự thật trên môi trường mạng" và Hội thảo "ASEAN về Chuyển đổi số báo chí - Kiến tạo tri thức số" cùng các diễn đàn khác); nâng cao nhận thức về ASEAN và thúc đẩy Bản sắc ASEAN; hỗ trợ xuyên suốt những nỗ lực của ASEAN giải quyết các vấn đề phát triển con người, xã hội và bền vững.
Đề xuất, sáng kiến Việt Nam được các nước ASEAN quan tâm
Trả lời câu hỏi về vai trò và sáng kiến của Việt Nam trong hội nghị lần này, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Việt Nam đã đưa ra các sáng kiến trong Hội nghị và được các nước ASEAN thống nhất, đồng quan điểm, cùng chung tay tìm ra giải pháp, cách làm chung.
Việt Nam khẳng định các công nghệ mới có tác dụng tích cực, tiêu cực nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng, người dân; gây ra hệ lụy về chính trị, kinh tế xã hội. ASEAN phải chung tay đưa ra quy định chung, để cho tất cả nền tảng truyền thông xuyên biên giới phải tuân thủ luật pháp và bộ quy tắc ứng xử của từng quốc gia, khu vực ASEAN.
Để hướng tới cách làm chung của ASEAN trong việc phòng chống tin giả, nâng cao năng lực cộng đồng, biến việc cung cấp thông tin trở thành cung cấp tri thức, tăng khả năng thích ứng, chống chịu của công dân. Việt Nam đề xuất có phương án cân bằng, dẫn dắt bằng những thông tin chính thức, chính thống của báo chí, truyền thông, thông tin của chính phủ.
Cụ thể, trên tất cả các nền tảng của tivi thông minh phải được cài sẵn, hỗ trợ điều kiện truy cập tốt nhất để người dân thông qua một nút bấm có thể dễ dàng xem thông tin chính thống của quốc gia đó, như ở Việt Nam sẽ đề nghị các nhà sản xuất tivi đặt nút VTVgo trên điều khiển. Vì thói quen tìm kiếm thông tin truyền thông bây giờ đã thay đổi. Nếu không tính được việc đó, có thể các báo chí chính thống sẽ tụt hậu so với nền tảng truyền thông xã hội.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sử dụng hiệu quả thông tin cơ sở (loa, đài, phát thanh địa phương) để tiếp cận gần với người dân nhất. Đây là phương pháp có thể áp dụng công nghệ số để thông tin chính thống đến đúng địa chỉ. Thời gian tới, hệ thống thông tin cơ sở sẽ tiếp nhận, trả lời phản ánh của người dân.
Về hợp tác với các nước đối thoại, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho hay các bộ trưởng Thông tin ASEAN cảm ơn các sáng kiến của các nước đối thoại (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) xúc tiến hợp tác với ASEAN thời gian qua; cũng như trao đổi quan điểm, sáng kiến, biện pháp tăng cường xây dựng năng lực chuyên môn, kiến thức kỹ thuật với các nước ASEAN+3, ASEAN+Trung Quốc, ASEAN+Nhật Bản, ASEAN+Hàn Quốc.
Hội nghị đã nhất trí triệu tập Hội nghị AMRI lần thứ 17 và các hội nghị liên quan tại Brunei Darussalam vào năm 2025; cảm ơn nước chủ nhà Việt Nam vì sự tổ chức chủ đáo cho AMRI 16. Các Hội nghị đã diễn ra trên tinh thần đoàn kết và hữu nghị truyền thống của ASEAN.
Theo TTXVN/Vietnam+