* Microsoft tích hợp trình tạo ảnh Dall-E 3 với công cụ tìm kiếm Bing
Ngày 20/9, Công ty Công nghệ đa quốc gia Amazon thông báo trợ lý ảo của công ty này sẽ được nâng cấp với trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh khi "gã khổng lồ" của Mỹ bước vào cuộc đua AI với ChatGPT của công ty OpenAI, Google và Microsoft.
Các trợ lý giọng nói như Alexa của Amazon hay Siri của Apple thường được coi là những ứng cử viên hoàn hảo để công nghệ của chúng có thể hòa trộn với các khả năng của AI tạo sinh.
AI tạo sinh, chẳng hạn như được sử dụng trong chatbot ChatGPT, có thể cung cấp các nội dung phức tạp như làm một bài thơ, viết luận mang tính học thuật chỉ trong vài giây. Amazon đặt mục tiêu trợ lý ảo Alexa cũng có thể làm được điều đó, thậm chí còn hơn như vậy khi người dùng có thể điều khiển các thiết bị bằng giọng nói, ra lệnh từ phòng khách hoặc nhà bếp.
Amazon cho biết phiên bản tiếng Anh của Alexa AI sẽ được cung cấp dưới dạng tùy chọn trên tất cả các thiết bị ở Mỹ trong những tháng tới.
Phó Chủ tịch phụ trách mảng thiết bị và dịch vụ của Amazon, ông Dave Limp nêu rõ sẽ mất một thời gian để tích hợp những công nghệ này cho trợ lý ảo Alexa.
Tuy vậy, ông bày tỏ lạc quan rằng Amazon đang có một khởi đầu tuyệt vời. Thông qua sự thay đổi này, Alexa sẽ có thể giao tiếp với phong cách cá tính hơn và loại bỏ được giọng của robot. Alexa cũng sẽ khai thác thông tin theo thời gian thực và tạo mối quan hệ cá nhân với người dùng, trong đó có việc nắm được thói quen hoặc sở thích của họ.
Tại sự kiện ra mắt, Amazon cũng giới thiệu trung tâm nhà thông minh Echo 8 mới nhất cùng loa soundbar cho TV và khả năng tìm kiếm mới có sự hỗ trợ của AI trên dịch vụ FireTV của công ty này. Mặc dù được coi là giai đoạn tiếp theo của công nghệ tiêu dùng, nhưng trong thập kỷ qua Alexa và các thiết bị nhà thông minh có kết nối mạng vẫn chưa trở thành "cỗ máy kiếm tiền" lớn cho Amazon.
* Trong nỗ lực mới nhất nhằm cạnh tranh với Google trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Tập đoàn Microsoft ngày 21/9 thông báo sẽ tích hợp công cụ tạo ảnh Dall-E 3 sắp phát hành của OpenAI vào công cụ tìm kiếm Bing.
Dall-E do công ty OpenAI phát triển, sử dụng công nghệ máy học để tạo ảnh kỹ thuật số từ các mô tả bằng ngôn ngữ tự nhiên. Phiên bản thứ ba của Dall-E tích hợp với công cụ ChatGPT để giúp người dùng dễ dàng tìm kiếm và tạo ra những gì họ cần. Dự kiến, Dall-E 3 sẽ được phát hành vào tháng 10 tới.
Tháng 2 vừa qua, Microsoft đã tích hợp AI tạo sinh giống như ChatGPT vào Bing, giúp công cụ tìm kiếm của hãng đưa ra câu trả lời cụ thể cho những câu hỏi của người dùng thay vì chỉ cung cấp các đường dẫn đến trang web.
Cùng ngày 21/9, Microsoft thông báo trợ lý chatbot AI "Copilot" cũng sử dụng công nghệ của OpenAI sẽ được phát hành vào ngày 1/11 tới.
Được tích hợp vào bộ công cụ Microsoft 365 và hệ điều hành Windows 11, Copilot ứng dụng AI tạo sinh để gợi ý trả lời email, tóm tắt nội dung cuộc họp hoặc tạo tài liệu so sánh dữ liệu nội bộ của công ty với thông tin được thu thập trên Internet.
Tập đoàn Microsoft đang đầu tư mạnh vào công nghệ AI và tìm cách tích hợp vào các sản phẩm của hãng để thu về lợi nhuận cao. Đầu năm nay, tập đoàn quyết định rót thêm 10 tỉ USD vào OpenAI, “cha đẻ” của chatbot ChatGPT gây sốt trong giới công nghệ kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022. Năm 2019, Microsoft đã đầu tư 1 tỉ USD vào OpenAI.
Tương tự, ngày 19/9 vừa qua, Google cho biết đã tích hợp Gmail, YouTube và các công cụ khác với chatbot Bard của công ty.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)