Dữ liệu vệ tinh quan sát khí hậu của Liên minh châu Âu (ERA5) công bố ngày 4/8 cho thấy các đại dương trên thế giới đã lập kỷ lục về nhiệt độ bề mặt trong tuần qua.
Theo ERA5, nhiệt độ bề mặt đại dương trung bình trên toàn cầu đạt 20,96 độ C vào ngày 30/7, phá vỡ kỷ lục trước đó là 20,95 độ C ghi nhận vào tháng 3/2016. Các dữ liệu thu thập không bao gồm nhiệt độ đại dương ở Bắc cực và Nam cực.
Nhiệt độ trung bình tại các đại dương đã thường xuyên lập các mốc kỷ lục mới theo mùa, kể từ tháng 4 vừa qua.
Chuyên gia Piers Forster tại Trung tâm nghiên cứu khí hậu quốc tế thuộc Đại học Leeds (Anh) cho biết sóng nhiệt đại dương là mối đe dọa trực tiếp đối với một số loài sinh vật biển, trong đó hiện tượng tẩy trắng san hô là một trong những tác động.
Theo các nhà khoa học, các đại dương hấp thụ đến 90% lượng nhiệt dư thừa từ các hoạt động của con người tạo ra kể từ thời kỳ phát triển công nghiệp.
Hồi đầu tháng 7, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết nhiệt độ nước biển trên phạm vi toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục hằng tháng kể từ hồi tháng 5/2023 và một phần là do hiện tượng El Nino gây ra.
Các nhà khoa học cảnh báo nhiệt độ bề mặt nước biển tăng cao có thể đe dọa đến hệ sinh thái biển, sinh vật biển cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của những ngư dân.
Theo TTXVN/Vietnam+