Mỹ quyết định sẽ dừng một số chương trình hỗ trợ nước ngoài dành cho chính phủ Niger, tuy nhiên vẫn tiếp tục viện nhân đạo và thực phẩm cho người dân quốc gia Tây Phi này.
Trong tuyên bố ngày 4/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ: “Chúng tôi vẫn tiếp tục cam kết hỗ trợ người dân Niger, đồng thời kêu gọi ngay lập tức khôi phục chính phủ dân cử tại quốc gia này”.
Niger là đối tác quan trọng của Washington trong cuộc chiến chống các nhóm Hồi giáo cực đoan. Tính đến năm 2021, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã cung cấp cho Niger số trang thiết bị và hoạt động tập huấn trị giá hơn 500 triệu USD kể từ năm 2012. Cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của Tổng thống Mohamed Bazoum được cho là đe dọa đến các ưu tiên của Mỹ tại khu vực này.
Cùng ngày, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) cho biết đã lên kế hoạch có hành động quân sự tại Niger sau khi các nỗ lực trung gian thất bại.
Cụ thể, các bộ trưởng quốc phòng trong ECOWAS đặt thời hạn đến ngày 6/8 để các lãnh đạo nhóm quân đội đảo chính từ chức và khôi phục chính phủ của Tổng thống Mohamed Bazoum.
Trong tuyên bố sau cuộc họp kéo dài 3 ngày tại thủ đô Abuja của Nigeria, ủy viên ECOWAS phụ trách chính trị, hòa bình và an ninh Abdel-Fatau Musah nêu rõ các nước thành viên “đã làm rõ tất cả các yếu tố cho một cuộc can thiệp quân sự, trong đó có các nguồn lực cần thiết, cách thức và thời điểm triển khai lực lượng”, đồng thời cho biết thời gian và địa điểm tiến hành can thiệp sẽ do lãnh đạo các nước thành viên quyết định.
Trước đó, ECOWAS đã áp đặt trừng phạt với Niger và cử một phái đoàn tới thủ đô Niamev hôm 3/8 nhằm “tìm kiếm một giải pháp hòa bình”. Tuy nhiên phái đoàn đã rời đi mà không có bất cứ cuộc gặp nào với đại diện chính quyền quân sự.
Tổng thống Nigeria Bola Tinubu cho biết chính phủ của ông đã sẵn sàng cho mọi lựa chọn, trong đó có cả việc triển khai quân đội. Senegal cũng cho biết có thể sẽ triển khai quân.
Trong khi đó, nước láng giềng Cộng hòa Chad khẳng định sẽ không can thiệp quân sự, đồng thời kêu gọi các bên tại Niger tiếp tục đối thoại. Tổng thống Cộng hòa Chad Idriss Deby đã tham gia các nỗ lực trung gian hòa giải của ECOWAS tại Niger, dù không phải thành viên khối này.
Theo TTXVN/Vietnam+