* Mỹ tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 thể lưỡng trị cho người cao tuổi
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 18/4 cảnh báo tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể diễn biến phức tạp hơn trước khi virus phát triển theo hướng mà giới chuyên môn có thể đoán định.
Theo báo cáo của WHO, trong 28 ngày qua, cơ quan này nhận được báo cáo về 3 triệu ca mắc mới và thêm hơn 23.000 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Giám đốc bộ phận khẩn cấp của WHO, ông Michael Ryan cho biết số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 đang có xu hướng giảm, tuy nhiên con số này hiện vẫn ở còn ở mức cao.
Ông nhấn mạnh các virus gây bệnh hô hấp sẽ không chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh lưu hành, mà chỉ suy giảm xuống mức "hoạt động" thấp hơn với khả năng đỉnh dịch xảy ra theo mùa. Ông khẳng định WHO vẫn theo dõi sát tình hình dịch COVID-19, đồng thời nhấn mạnh dịch bệnh này sẽ còn dai dẳng. Ông Ryan cũng lưu ý virus gây bệnh COVID-19 sẽ không bị loại bỏ và giống như bệnh cúm, virus này sẽ vẫn gây ra bệnh hô hấp nghiêm trọng ở những người dễ bị tổn thương.
Một số quốc gia vẫn có lượng lớn những người dễ bị tổn thương chưa được tiêm phòng, trong khi ở những quốc gia khác, COVID-19 đã không còn là vấn đề y tế khẩn cấp.
Dự kiến, Ủy ban khẩn cấp của WHO về COVID-19 sẽ nhóm họp vào đầu tháng 5 tới. Như những cuộc họp trước đó, cuộc họp lần này sẽ xem xét liệu dịch COVID-19 có còn gây ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) hay không - mức cảnh báo cao nhất của tổ chức y tế này.
* Ngày 18/4, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ đã sửa đổi giấy phép sử dụng khẩn cấp các vắc xin mRNA ngừa COVID-19 thể lưỡng trị (bivalent) của các hãng Moderna và Pfizer-BioNTech, đồng thời phê duyệt việc tiêm mũi vắc xin thứ 2 tăng cường loại này cho người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu. Vắc xin ngừa COVID-19 thể lưỡng trị nhắm tới cả chủng gốc và biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Tuyên bố của FDA nêu rõ những người từ 65 tuổi trở lên có thể tiêm mũi thứ hai phiên bản cải tiến của các vắc xin nói trên ít nhất 4 tháng sau khi tiêm mũi đầu cùng loại.
Trong khi đó, hầu hết những người bị suy giảm miễn dịch có thể tiêm một mũi nhắc lại loại vắc xin này ít nhất 2 tháng sau mũi tiêm gần nhất.
FDA cũng khuyến nghị hầu hết những người chưa tiêm phòng có thể tiêm một mũi vắc xin lưỡng trị, thay vì tiêm nhiều mũi vắc xin mRNA đơn trị như trước đây.
FDA cho biết thêm hiện vắc xin đơn trị ngừa COVID-19 của hãng Moderna và Pfizer-BioNTech không còn được cấp phép sử dụng tại Mỹ.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, liều tăng cường vắc xin COVID-19 thể lưỡng trị có thể tăng khả năng bảo vệ, giúp giảm số ca nhập viện hoặc phải điều trị tích cực.
Hồi tháng 9/2022, CDC Mỹ khuyến nghị tiêm liều tăng cường vắc xin mRNA COVID-19 thể lưỡng trị, có chứa thành phần chống lại các chủng BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron, giúp bảo vệ tốt hơn khỏi các làn sóng dịch mới nhất.
Theo cơ quan trên, khả năng miễn dịch của liều tăng cường bằng vắc xin đơn trị suy giảm dần, trong khi hiệu quả của vắc xin lưỡng trị cao hơn theo thời gian sau liều đơn trị trước đó.
Cụ thể số liệu của CDC Mỹ cho thấy hiệu quả của liều tăng cường vắc xin lưỡng trị sau liều vắc xin đơn trị sẽ giúp giảm 57% nguy cơ nhập viện do COVID-19 so với không tiêm và giảm 47% so với liều đơn trị được tiêm trước đó hơn 11 tháng.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)