Ngày 18/4, các ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kêu gọi "chấm dứt bạo lực ngay lập tức" tại Sudan, sau khi các cuộc đụng độ giữa quân đội nước này và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã khiến gần 200 người thiệt mạng.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp tại thị trấn Karuizawa (thuộc tỉnh Nagano, miền Trung Nhật Bản), các goại trưởng G7 nhấn mạnh các bên cần chấm dứt những hành động thù địch ngay lập tức mà không cần điều kiện tiên quyết nào.
Các ngoại trưởng cũng cảnh báo các cuộc giao tranh đe dọa tới an ninh và sự an toàn của người dân Sudan, đồng thời làm suy yếu các nỗ lực khôi phục quá trình chuyển đổi dân chủ của nước này.
Nhóm G7 kêu gọi các bên nhanh chóng quay trở lại đàm phán và thực hiện các bước tích cực để giảm căng thẳng và đảm bảo an toàn cho tất cả người dân, bao gồm cả nhân viên ngoại giao và nhân viên cứu trợ nhân đạo.
Kết thúc cuộc họp kéo dài 3 ngày này, các nhà ngoại giao hàng đầu của G7 không công bố biện pháp trừng phạt mới nào đối với Nga liên quan chiến dịch quân sự tại Ukraine. Tuy nhiên, G7 tuyên bố sẽ tăng cường phối hợp để ngăn chặn các nước giúp Nga trốn tránh các biện pháp trừng phạt và mua vũ khí phục vụ cho cuộc chiến.
Liên quan các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, các ngoại trưởng G7 yêu cầu Bình Nhưỡng kiềm chế các hành động có nguy cơ gây bất ổn trong khu vực, không tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo.
G7 cũng phản đối "hoạt động quân sự hóa" của Trung Quốc ở biển Đông. Các nhà ngoại giao hàng đầu G7 nêu rõ: "Không có cơ sở pháp lý nào cho các tuyên bố chủ quyền biển rộng lớn của Trung Quốc ở biển Đông và chúng tôi phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực này".
Về tình hình Afghanistan, các ngoại trưởng G7 yêu cầu chính quyền Taliban "đảo ngược ngay lập tức" lệnh cấm phụ nữ ở Afghanistan làm việc cho các tổ chức phi chính phủ và LHQ. G7 cũng chỉ trích việc Taliban "vi phạm nhân quyền của phụ nữ và trẻ em gái một cách có hệ thống cũng như phân biệt đối xử đối với các thành viên thuộc sắc tộc thiểu số và các tôn giáo khác".
Trước đó, trong 3 ngày nhóm họp tại Karuizawa, các ngoại trưởng G7 đã thảo luận nhiều vấn đề nóng trong bối cảnh những thách thức hiện nay đang đe dọa sự đoàn kết của nhóm. Các quan chức ngoại giao G7 cũng đã thảo luận về an ninh năng lượng và lương thực, cũng như tăng cường cam kết với các quốc gia Nam bán cầu.
Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra tại TP Hiroshima của Nhật Bản vào tháng 5 tới.
Theo TTXVN/Vietnam+