* Microsoft tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường tìm kiếm với Google
OpenAI vừa thông báo đã khắc phục lỗi kỹ thuật để lộ tiêu đề trò chuyện của người dùng với chatbot ChatGPT do công ty Mỹ này phát triển.
Trong thông báo trên Twitter, Giám đốc điều hành (CEO) OpenAI, ông Sam Altman thừa nhận đã xảy ra "sự cố đáng kể" khi một nhóm nhỏ người dùng có thể xem tiêu đề trò chuyện của người khác trong lịch sử hội thoại trên ChatGPT.
Do việc khắc phục lỗi trên, người dùng sẽ không thể truy cập lại đoạn hội thoại của họ với ChatGPT trong khoảng thời gian từ 8-17 giờ ngày 20/3 giờ GMT (tức 15 giờ -24 giờ cùng ngày, giờ Việt Nam).
ChatGPT đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt bậc sau khi ra mắt cuối năm ngoái, với việc người dùng tận dụng chatbot này sáng tạo những bài thơ, bài báo, truyện ngắn hay các các dạng văn bản khác.
Tuần trước, OpenAI cũng đã ra mắt GPT-4, một mô hình ngôn ngữ được nâng cấp so với phiên bản ChatGPT trên nhiều phương diện như độ chính xác, tính an toàn và khả năng xử lý đa phương thức đầu vào, trong đó có thể sử dụng đầu vào là hình ảnh để xuất ra văn bản.
OpenAI nhấn mạnh GPT-4 là “cột mốc mới nhất trong nỗ lực mở rộng quy mô học sâu” và đã "thể hiện hiệu suất ở cấp độ con người" trong một số nhiệm vụ về chuyên môn và học thuật.
Open AI nêu rõ: "Chúng tôi đã dành 6 tháng để cải tiến sao cho GPT-4 an toàn hơn và phù hợp hơn với người dùng. GPT-4 giảm tới 82% nguy cơ phản hồi về các nội dung không được phép, trong khi tăng tới 40% về khả năng đưa ra những phản hồi sát với thực tế".
Theo kế hoạch, GPT-4 sẽ được cung cấp tới người dùng thông qua ChatGPT vào ngày 30/11 tới.
* Tập đoàn công nghệ Microsoft đã tài trợ cho các nghiên cứu của OpenAI. Việc Microsoft ứng dụng công nghệ của ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing, trình duyệt Edge và các sản phẩm khác của mình châm ngòi cho một cuộc chạy đua phát triển AI giữa các công ty công nghệ lớn như Google, Amazon, Baidu và Meta.
Theo công ty phân tích Similarweb, việc Microsoft Corp tích hợp công nghệ của OpenAI vào Bing đã thu hút người dùng với công cụ tìm kiếm này và tăng khả năng cạnh tranh với Google, vốn đang đứng đầu thị trường tìm kiếm, về mức tăng lượt truy cập.
Số liệu tính đến ngày 20/3 cho thấy lượng truy cập Bing tăng 15,8% kể từ khi Microsoft công bố phiên bản ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngày 7/2, so với mức giảm 1% của Google.
Số liệu trên là dấu hiệu ban đầu cho thấy sự dẫn đầu của Microsoft trong cuộc đua với Google về AI phái sinh, công nghệ được sử dụng cho hộp thoại ChatGPT mà OpenAI phát triển.
Điều đó cũng cho thấy cơ hội hiếm hoi của Microsoft trong việc thâm nhập thị trường tìm kiếm trị giá 120 tỉ USD mà Google đang chiếm lĩnh trong nhiều thập kỷ với thị phần trên 80%.
Nhà phân tích Gil Luria tại D.A. Davidson & Co kỳ vọng Bing sẽ giành được thị phần trong vài tháng tới, nhất là khi Google tiếp tục trì hoãn việc tích hợp công nghệ AI phái sinh vào sản phẩm của mình.
Trong khi hầu hết người dùng đã có thể sử dụng Bing tích hợp AI kể từ tháng 2/2023, Google bắt đầu công bố hộp thoại Bard vào ngày 21/3.
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu ứng dụng Data.ai, lượt tải Bing đã tăng 8 lần trên toàn cầu sau khi tích hợp AI, trong khi lượt tải Google giảm 2%.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)