Phát biểu họp báo ngày 22/3, ông Farhan Haq, phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ, cho biết cơ quan này ủng hộ mọi nỗ lực nhằm mang lại hòa bình ở Ukraine và trân trọng những mong muốn giải quyết xung đột thông qua đối thoại.
Khi được hỏi về nội dung tuyên bố chung giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine, người phát ngôn Farhan Haq nêu rõ LHQ đánh giá cao mọi nỗ lực giải quyết xung đột thông qua đối thoại, phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Ông nhắc lại cam kết của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nỗ lực hết sức có thể để thúc đẩy hòa bình ở Ukraine nếu các bên có thiện chí. Người phát ngôn này khẳng định ông Guterres vẫn tiếp tục liên lạc với cả các bên xung đột. Theo ông Haq, trong các cơ quan của LHQ luôn có người tham gia các nỗ lực ngoại giao để tìm giải pháp tháo gỡ cuộc xung đột này.
Nhân chuyến thăm chính thức tới Nga trong các ngày 20-22/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra tuyên bố chung, trong đó Bắc Kinh đánh giá cao thiện chí của Moscow thực hiện các nỗ lực nhằm nối lại sớm nhất có thể các cuộc đàm phán hòa bình cho vấn đề Ukraine.
Hai nhà lãnh đạo nêu rõ một hình thức đối thoại có trách nhiệm là con đường đúng đắn để tìm ra giải pháp bền vững cho cuộc khủng hoảng Ukraine và cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ các nỗ lực mang tính xây dựng có liên quan vấn đề này.
Trong diễn biến khác, chi phí cho công cuộc tái thiết nền kinh tế Ukraine sau xung đột với Nga dự kiến có thể lên đến 411 tỉ USD, cao gấp 2,6 lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính của Ukraine trong năm 2022. Đây là kết luận trong nghiên cứu được Ngân hàng Thế giới (WB), LHQ, Ủy ban châu Âu và Ukraine thực hiện và công bố ngày 22/3.
Theo WB, con số dự trù trên được tính từ ngày 24/2/2022, thời điểm Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong đó gồm ước lượng thiệt hại vật chất trực tiếp về cơ sở hạ tầng, những tác động đến cuộc sống và sinh kế của người dân và chi phí để tái thiết tốt hơn. Con số này tăng mạnh so với mức ước tính 349 tỉ USD được đưa ra hồi tháng 9 năm ngoái.
Theo đánh giá sơ lược các nhu cầu phục hồi, Ukraine sẽ cần khoảng 14 tỉ USD cho các khoản đầu tư tái thiết quan trọng và cần được ưu tiên nhất. Theo đó, Kiev sẽ cần thêm khoản tài trợ 11 tỉ USD ngoài số tiền đã được phân bổ trong ngân sách hằng năm. Khoảng 22% nhu cầu phục hồi là về phương tiện đi lại, trong khi nhà ở chiếm 17%, năng lượng chiếm 11% và nông nghiệp chiếm 7%.
WB cho biết thiệt hại trong lĩnh vực năng lượng của Ukraine tăng nhiều nhất, ước tính cao gấp 5 lần mức ghi nhận hồi tháng 6/2022, trong đó nhu cầu khôi phục ngành năng lượng tăng mạnh nhất tại các khu vực Donetsk, Kharkov, Lugansk và Kherson.
Trong tuyên bố, Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal cho biết 5 ưu tiên của nước này trong năm 2023 bao gồm cơ sở hạ tầng năng lượng, nhà ở, các cơ sở hạ tầng quan trọng, nền kinh tế và chương trình rà phá bom mìn nhân đạo .
Về phần mình, Phó Chủ tịch WB phụ trách khu vực châu Âu và Trung Á Anna Bjerde nhấn mạnh các khoản hỗ trợ dành cho Ukraine sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế nước này cũng như thế giới. Bà Bjerde kêu gọi phối hợp đầu tư công và tư nhân để tăng nguồn tài chính sẵn có phục vụ mục tiêu tái thiết.
Trong khi đó, theo hãng tin TASS, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 22/3 cho biết các cuộc đàm phán nhằm thiết lập khu vực an ninh và an toàn hạt nhân xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã tạm ngừng, thay vào đó IAEA đang thúc đẩy các giải pháp khác để bảo vệ nhà máy và ngăn ngừa nguy cơ rò rỉ hạt nhân.
Trả lời phỏng vấn tại một hội thảo của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, ông Grossi cho biết các cuộc đàm phán về việc thiết lập khu vực phi quân sự trên đã kéo dài 7-8 tháng. IAEA đã thảo luận với cả Nga và Ukraine về các yếu tố xác định khu vực an ninh xung quanh nhà máy Zaporizhzhia, như phạm vi và khoảng cách. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan tới lãnh thổ khiến hai bên khó đạt được nhất trí chung.
Do đó, ông Grossi nhấn mạnh kế hoạch thiết lập khu vực phi quân sự quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia có thể khiến tình hình thêm phức tạp, đặc biệt là trong khu vực đang có xung đột bởi công tác giám sát sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thay vào đó, IAEA đang cân nhắc theo hướng có được các cam kết "không tấn công nhà máy hoặc không sử dụng nhà máy này để thực hiện các cuộc tấn công".
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)