Chiều 23/2 (theo giờ New York), Đại Hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết nhân 1 năm ngày nổ ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, tại phiên họp đặc biệt lần thứ 11, Đại Hội đồng đã nhất trí thông qua nghị quyết không mang tính ràng buộc pháp lý nói trên nhằm kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột Nga - Ukraine.Sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, đại diện của 75 nước đã có các bài phát biểu ngắn, trong đó nhiều nước bày tỏ ủng hộ nghị quyết kêu gọi tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Trước đó, trong phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại Hội đồng LHQ về tình hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, đã bày tỏ quan ngại về tình hình xung đột tại Ukraine trong một năm qua, cũng như trước diễn biến đáng lo ngại gần đây, hậu quả của cuộc xung đột, mất mát to lớn về người và của, cơ sở hạ tầng và tác động tiêu cực đối với khu vực, thế giới và các nỗ lực chung trong thúc đẩy hợp tác quốc tế, ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Trước tình hình đó, Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, nhất là các nguyên tắc cơ bản quan trọng hàng đầu là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực.
Việt Nam khẩn thiết kêu gọi các bên chấm dứt chiến sự, tránh hành động leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng, lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp và tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, có tính đến lợi ích, quan tâm chính đáng của các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Trong diễn biến khác, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 23/2 ra tuyên bố chung tái khẳng định "sự ủng hộ vững chắc" dành cho Ukraine và cảnh báo sẽ thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung chống Nga khi cần. Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp ở TPBengaluru, miền Nam Ấn Độ.
Tuyên bố cho biết G7 đã tăng cam kết ngân sách và hỗ trợ tài chính cho Ukraine năm 2023 lên 39 tỉ USD. Cũng trong tuyên bố chung, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G7 đã hối thúc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp một gói viện trợ mới cho Ukraine vào cuối tháng 3 tới.
Theo kế hoạch, bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến cũng sẽ nhóm họp ngày 24-25/2 tại Bengaluru, thảo luận về những tác động của xung đột Ukraine đến kinh tế cùng khả năng giảm nợ cho các quốc gia nghèo.
Tiếp đó, ngày 1-2/3, hội nghị Ngoại trưởng G20 dự kiến diễn ra tại New Dehli, trong đó Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Antony Blinken có thể tham dự.
Trong khi đó, thương mại toàn cầu vẫn ổn định và tăng trưởng tốt hơn so với dự báo được đưa ra năm 2022 do các nền kinh tế chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tìm được các nguồn cung ứng hàng hóa thay thế. Đây là đánh giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đưa ra ngày 23/2.
Trong bản đánh giá này, WTO cho biết tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2022 cao hơn mức dự báo 3% mà cơ quan này đưa ra hồi tháng 4 năm ngoái và cao hơn đáng kể so với ước tính trước đây cho các kịch bản bi quan hơn đối với năm 2022.
Về triển vọng dài hạn, các dự báo mới của WTO cho thấy tầm quan trọng của việc củng cố hệ thống thương mại đa phương, trong đó các nước kém phát triển nhất có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu hợp tác quốc tế bị phá vỡ.
Nhà kinh tế trưởng của WTO Ralph Ossa cho biết thương mại toàn cầu "đã duy trì tốt" khi đối mặt với cuộc xung đột Nga - Ukraine, theo đó những dự đoán tồi tệ nhất khi cuộc xung đột mới bùng phát đã không xảy ra. Theo ông, những dự báo về giá lương thực tăng cao và tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã không thành hiện thực nhờ sự cởi mở của hệ thống thương mại đa phương và sự hợp tác của các chính phủ đã cam kết tại WTO.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)