Thứ Năm, 28/11/2024 01:48 SA
Bộ GD-ĐT sẽ rà soát chính sách để thích ứng với ChatGPT
Thứ Hai, 13/02/2023 16:40 CH

Tọa đàm thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia giáo dục. Ảnh: PV

Trí tuệ nhân tạo sẽ tác động tới giáo dục như thế nào? Vai trò của người thầy, người học và các chính sách quản lý giáo dục sẽ thay đổi ra sao là các nội dung chính được đề cập tại buổi tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục”. Tọa đàm do Bộ GD-ĐT giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức chiều nay, 13/2.

 

Toạ đàm bao gồm hai chủ đề thảo luận: Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục và Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục.

 

Chia sẻ về lý do tổ chức tọa đàm, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xu hướng mà đang ảnh hưởng sâu rộng đến các khía cạnh xã hội. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống con người tốt hơn. Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo định hình tương lai giáo dục của tất cả các quốc gia trên thế giới.

 

Trước sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI, gần đây là sự ra đời của ChatGPT đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu và hiện đang là chủ đề thảo luận, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bộ GD-ĐT cũng như toàn ngành giáo dục đã chủ động tìm hiểu và nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đặt ra của Chat GPT và AI đối với giáo dục, để từ đó sớm có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục.

 

Theo đó, tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các học giả, các giáo viên thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục. Tọa đàm cũng nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các chuyên gia, giáo viên và nhà quản lý tìm ra các giải pháp cho những vấn đề về giáo dục và xây dựng kế hoạch tương lai sử dụng và ứng dụng AI. 

 

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết trước đây người thầy có đặc quyền truyền bá tri thức nhưng với sự ra đời của công nghệ, vai trò của người thầy ngày càng thay đổi. Công nghệ ra đời đã giúp cho ngành giáo dục có những bước tiến lớn.

 

Với công nghệ ChatGPT, vấn đề đặt ra là làm sao có sự hỗ trợ, quản lý về mặt chính sách để phát huy những tính năng tích cực cũng như hạn chế những tiêu cực từ công nghệ này. Tọa đàm nhằm làm rõ những tác động này, từ chương trình giáo dục đến vai trò của người thầy, cách tiếp cận học liệu, tri thức của người học, đặc biệt việc cá nhân hóa, cá thể hóa người học.

 

“Vai trò của người thầy sẽ thay đổi nhưng thay đổi như thế nào để không chỉ thích ứng mà còn đón đầu công nghệ. Người học phải thay đổi như thế nào và chính sách giáo dục phải thích ứng ra sao? Đó là những nội dung mà Bộ GD-ĐT rất mong muốn các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, thầy cô giáo từ các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu có trao đổi cởi mở. Trên cơ sở đó, bộ sẽ rà soát và điều chỉnh chính sách phù hợp”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

 

Tọa đàm đã thu hút đông đảo các đại biểu là các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và công nghệ.

 

Theo Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek