Ngày 11/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trận động đất thảm khốc tàn phá Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vừa qua đã ảnh hưởng tới gần 26 triệu người, đồng thời cảnh báo việc hàng chục bệnh viện đã bị hư hại.
Trong bối cảnh số nạn nhân thiệt mạng do trận động đất vượt 25.000 người, WHO đã kêu gọi hỗ trợ 42,8 triệu USD để giúp giải quyết các nhu cầu y tế ngay lập tức.
WHO, tổ chức đã giải ngân 16 triệu USD từ quỹ khẩn cấp, trước đó cho biết có tới 23 triệu người có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, con số đó đã tăng lên gần 26 triệu, với 15 triệu người bị ảnh hưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ và gần 11 triệu người ở Syria, nơi bị chiến tranh tàn phá. Trong đó, hơn 5 triệu người được coi là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương, bao gồm gần 350.000 người cao tuổi và hơn 1,4 triệu trẻ em.
WHO ước tính rằng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có hơn 4.000 tòa nhà bị sập trong trận động đất, 15 bệnh viện thiệt hại một phần hoặc thiệt hại nặng nề. Còn ở Syria, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe đã bị tàn phá sau 12 năm nội chiến, ít nhất 20 cơ sở y tế trên khắp vùng Tây Bắc nước này bị ảnh hưởng lớn, trong đó có 4 bệnh viện đã hư hại nặng.
WHO cảnh báo điều này khiến cho việc giúp đỡ hàng chục nghìn người bị thương trong thảm họa càng trở nên khó khăn hơn. Trong khi các cơ sở cứu chữa khẩn cấp quá tải bệnh nhân chấn thương, các dịch vụ y tế thiết yếu đã bị gián đoạn nghiêm trọng.
WHO nhấn mạnh sự cấp thiết của việc chăm sóc những người bị chấn thương, chăm sóc phục hồi sau chấn thương, cung cấp các loại thuốc thiết yếu, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh bùng phát và hỗ trợ sức khỏe tâm thần.
Trên mạng xã hội Twitter, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, người đã đến TP Aleppo (Syria) ngày 11/2, cho biết ông "rất đau lòng khi chứng kiến hoàn cảnh mà những người sống sót đang phải đối mặt... thời tiết lạnh giá và khả năng tiếp cận nơi ở, thực phẩm, nước, thiết bị sưởi ấm và chăm sóc y tế cực kỳ hạn chế".
Cùng ngày 11/2, Cơ quan Ứng phó thảm họa và khẩn cấp (AFAD) của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đã ghi nhận hơn 2.000 dư chấn ở các khu vực phía Đông Nam của nước này sau các trận động đất kinh hoàng. Lãnh đạo AFAD, ông Orhan Tatar, phát biểu trong một cuộc họp báo: "Đã xảy ra hơn 2.000 dư chấn và sẽ tiếp tục xảy ra các dư chấn. Phần lớn có độ lớn trên 4".
Cũng trong ngày 11/2, truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin chính quyền nước này đã bắt giữ 48 người vì tội cướp bóc sau trận động đất mạnh xảy ra ở nước này và nước láng giềng Syria. Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các nghi phạm trên bị giam giữ ở 8 tỉnh khác nhau.
Cùng ngày, Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc tế Đức (ISAR) và Cơ quan Cứu trợ Kỹ thuật Liên bang Đức (THW) thông báo đã tạm ngừng các hoạt động cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất, do các vấn đề an ninh và có tin về các vụ đụng độ giữa những nhóm người và cả các vụ nổ súng.
ISAR và THW cho biết sẽ tiếp tục công việc cứu hộ ngay khi Cơ quan Ứng phó thảm họa và khẩn cấp (AFAD) của Thổ Nhĩ Kỳ thông báo tình hình ở mức an toàn.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chưa ghi nhận các vụ đụng độ ở khu vực bị động đất, song Tổng thống nước này Recep Tayyip Erdogan ngày 11/2 đã bình luận về tình hình an ninh chung, lưu ý rằng tình trạng khẩn cấp đã được ban bố và đã xảy ra một số vụ cướp bóc.
Trước đó cùng ngày, Đơn vị cứu trợ thảm họa của các lực lượng Áo (AFDRU) cũng tạm ngừng công tác cứu hộ và đã nối lại hoạt động sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhận việc bảo vệ các thành viên AFDRU. Trong khi đó, Thụy Sĩ cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh ở tỉnh cực nam Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ và các biện pháp an ninh đã được tăng cường phù hợp với tình hình thực tế.
Trong diễn biến khác, nhật báo Granma, Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Cuba, ngày 11/2 đưa tin nước này đã cử 32 y bác sĩ tới Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ các nạn nhân của trận động đất cũng ảnh hưởng đến Syria và cho đến nay đã khiến hơn 25.000 người thiệt mạng.
Qua mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel khẳng định đảo quốc Caribe sẵn sàng góp phần cứu mạng và phục hồi sức khỏe cho các nạn nhân của vụ động đất kinh hoàng hôm 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhóm chuyên gia y tế nói trên, trong đó có 20 bác sĩ chuyên khoa, thuộc Lữ đoàn quốc tế Henry Reeve của Cuba chuyên hỗ trợ các tình huống thảm họa và dịch bệnh. Thứ trưởng Y tế Cuba Tania Cruz cho biết tất cả các chuyên gia này đều đã có hơn 5 năm kinh nghiệm, 69% đã hoàn thành sứ mệnh quốc tế ở nhiều nước khác nhau.
Cùng ngày 11/2, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser thông báo nước này sẽ cấp thị thực 3 tháng cho các nạn nhân trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tới sống cùng gia đình của họ ở Đức. Trả lời nhật báo Bild của Đức, Bộ trưởng Faeser cho biết: "Đây là sự hỗ trợ khẩn cấp. Chúng tôi muốn cho phép các gia đình người Thổ Nhĩ Kỳ hay Syria ở Đức đưa người thân từ vùng xảy ra thảm họa về nhà của họ mà không cần thủ tục phức tạp".
Theo bà Faeser, những người đủ điều kiện có thể có "thị thực thông thường, được cấp nhanh chóng và có giá trị trong 3 tháng." Bà lưu ý sáng kiến chung với Bộ Ngoại giao Đức này sẽ cho phép các nạn nhân "tìm được nơi nương thân và được điều trị y tế" ở Đức.
Khoảng 2,9 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Đức, với hơn một nửa mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, cộng đồng người Syria ở Đức cũng rất lớn, ước tính vào khoảng 924.000 người kể từ khi cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel mở cửa biên giới cho người tị nạn vào năm 2015 và 2016.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)