Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà khoa học Úc mới đây đã phát hiện ra một loại protein trong phổi người có thể bám vào virus SARS-CoV-2 và ngăn virus phát tán.
Phát hiện này cũng giúp lý giải tại sao một số người không bao giờ bị nhiễm virus SARS-CoV-2, trong khi nhiều người khác lại có triệu chứng nặng.
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Biology ngày 9/2, nhóm các nhà khoa học tại Đại học Sydney (Úc) đã sử dụng tế bào người được nuôi cấy mô để tìm kiếm các protein trong toàn bộ gene người có gắn kết với virus SARS-CoV-2.
Bằng cách sử dụng công cụ kỹ thuật di truyền có tên là Crispr, nhóm nghiên cứu đã kích hoạt tất cả gene trong bộ gene người và tìm kiếm gene có khả năng giúp tế bào con người liên kết với protein gai của SARS-CoV-2, loại protein chủ yếu khiến virus SARS-CoV-2 lây nhiễm trong cơ thể.
Với phương pháp này, nhóm nghiên cứu đã tìm ra protein LRRC15 - một loại thụ thể mới có khả năng kết dính với virus SARS-CoV-2 mà không làm lây lan virus.
Ở bước tiếp theo, sau khi xem xét phổi của các bệnh nhân mắc COVID-19 và những bệnh nhân đã qua đời vì COVID-19, nhóm đã phát hiện phổi của những bệnh nhân có triệu chứng nặng chứa nhiều LRRC15.
Theo nhóm nghiên cứu, LRRC15 không xuất hiện ở cơ thể của người khỏe mạnh và có thể đây là một phần của hàng rào miễn dịch mới, giúp bảo vệ cơ thể người trước sự xâm nhập của virus bằng cách kích hoạt phản ứng kháng virus.
Các nhà khoa học cho rằng mặc dù cơ thể của những bệnh nhân đã qua đời vì COVID-19 đã sản sinh ra LRRC15, nhưng số lượng protein này không đủ để bảo vệ cơ thể hoặc được sinh ra quá muộn.
Giáo sư Neely nhận định rằng trong phổi của những bệnh nhân còn sống có thể có nhiều loại protein này hơn so với phổi của những người đã qua đời, mặc dù họ chưa thể kiểm tra phổi của những bệnh nhân còn sống sau COVID-19 vì rất khó xét nghiệm sinh thiết.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác do các nhà khoa học ở London (Anh) tiến hành đã kiểm tra các mẫu máu để tìm LRRC15 và cho thấy mật độ loại protein này trong máu của những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 có triệu chứng nặng thấp hơn so với những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.
Điều này đã củng cố giả thuyết của nhóm các nhà khoa học Úc rằng mật độ LRRC15 càng cao thì những người mắc COVID-19 càng gặp ít vấn đề nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, nhóm của Giáo sư Neely cũng phát hiện ra rằng LRRC15 cũng xuất hiện trong các nguyên bào sợi - các tế bào kiểm soát quá trình xơ hóa phổi, căn bệnh khiến mô phổi bị tổn thương và có sẹo. Phát hiện này có thể còn có ý nghĩa đối với hội chứng “COVID kéo dài”.
Giáo sư Neely cho biết hiện họ có thể sử dụng những thụ thể mới này để phát triển các loại thuốc có tác dụng diện rộng và có khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm của virus, hoặc thậm chí ngăn chặn quá trình xơ hóa phổi. Ông nhấn mạnh hiện nay chưa có phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh xơ phổi.
Giáo sư Stuart Turville, nhà virus học thuộc Viện Kirby tại Đại học New South Wales (Úc) nhận định mặc dù có thể mất nhiều năm để biến phát hiện trên thành các loại thuốc kháng virus và điều trị các loại bệnh khác, song nghiên cứu trên đã giúp con người hiểu biết thêm về miễn dịch tự nhiên.
Theo TTXVN/Vietnam+