Sau một thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19, Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) lần thứ 53 tại Davos, Thụy Sĩ, được tổ chức trở lại theo thông lệ trước đây đúng vào dịp đầu năm theo hình thức trực tiếp.
Đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vì có rất nhiều điểm đặc biệt: Diễn ra ở một khu du lịch và nghỉ dưỡng nổi tiếng của Thụy Sĩ, quy mô đặc biệt lớn với hàng nghìn khách mời đến từ khắp nơi trên thế giới, thành phần tham dự rất đa dạng và đều là những nhân vật quan trọng - từ quan chức chính phủ, nhà nước đến đại diện các tổ chức kinh tế, chính trị, khoa học, văn hóa, xã hội và các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề cấp bách, mang tính toàn cầu.
Hội nghị WEF năm 2023 (từ ngày 16-20/1) diễn ra vào thời điểm quan trọng khi thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nền kinh tế thế giới chưa kịp hồi phục trở lại sau những tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch COVID-19 gây ra thì đã nhanh chóng phải đối mặt với những bất ổn khác, trong đó nổi lên là cuộc xung đột Nga - Ukraine, làm trầm trọng thêm những khó khăn của kinh tế toàn cầu, khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao, tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực trên phạm vi thế giới, nhất là năng lượng, lương thực, chuỗi cung ứng cho sản xuất, di cư…
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, tình trạng biến đổi khí hậu gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan cũng đang diễn biến theo xu hướng ngày càng đáng lo ngại, tác động tiêu cực đến cuộc sống của con người ở khắp các châu lục.
Nhiều cuộc khủng hoảng diễn ra cùng một lúc khiến hành động phối hợp tập thể trở nên cần thiết. Trong bối cảnh đó, tổ chức WEF xác định chủ đề của hội nghị thường niên năm 2023 là “Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh”.
Các phiên họp sẽ tập trung vào những chủ đề nóng như khủng hoảng năng lượng và lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tình trạng lạm phát cao, tăng trưởng thấp, nợ công và mối đe dọa suy thoái kinh tế; thay đổi ngành nghề và phát triển công nghiệp trong thời đại công nghệ mới; thiếu hụt lao động lành nghề, bất bình đẳng thu nhập và thị trường cho lao động nữ.
Xung đột tại Ukraine và những biến động địa chính trị kéo theo, vấn đề viện trợ nhân đạo và tái thiết cũng là chủ đề được đặt lên hàng đầu trong các cuộc thảo luận.
Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF, GS Klaus Schwab, cho biết thế giới hiện đang rơi vào khủng hoảng. Có sự phân mảnh ngày càng tăng ở cấp độ toàn cầu và sự xói mòn lòng tin giữa các quốc gia. Chỉ có một giải pháp tốt nhất là các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức cùng phối hợp với nhau. Điều quan trọng là phát triển kinh tế phải trở nên bền vững hơn và không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo thông tin từ WEF, hơn 2.700 quan khách được mời tham dự Hội nghị WEF lần thứ 53 tại Davos, trong đó hơn 50 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ cùng hơn 300 bộ trưởng đã thông báo tham dự. Bên cạnh đó, hơn 1.500 giám đốc điều hành từ 700 công ty và tổ chức cũng có mặt tại Davos. Đây là một số lượng kỷ lục từ trước đến nay.
Việt Nam thường xuyên tham dự Hội nghị thường niên WEF tại Davos ở cấp cao, trong đó 4 lần tham dự cấp Thủ tướng Chính phủ (2007, 2010, 2017, 2019). Các lần tham dự góp phần quan trọng nâng cao hình ảnh, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua việc đóng góp các đề xuất, sáng kiến tích cực, hiệu quả tại hội nghị.
Đặc biệt, hoạt động gặp gỡ, trao đổi giữa Việt Nam với các tập đoàn hàng đầu thế giới cũng góp phần gợi mở những ý tưởng về cải cách kinh tế, đồng thời mang lại cho Việt Nam các cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế trong nước.
Cho đến nay, WEF và các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đánh giá rất cao tiềm năng phát triển và vị thế chiến lược của Việt Nam. Gần đây nhất, ngày 11/11/2022, tại cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị liên quan tại Phnom Penh, Campuchia, nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab bày tỏ ấn tượng về kết quả phục hồi kinh tế - xã hội và duy trì ổn định vĩ mô của Việt Nam thời gian qua, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều thách thức.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong những lần tham dự trước đây, nhận lời mời của nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị WEF lần thứ 53.
Với những thành tựu lớn đạt được trong một giai đoạn khó khăn chung của thế giới, trong đó nổi lên là một ngoại lệ về tăng trưởng kinh tế trong năm 2022, sự tham dự và đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị WEF sẽ mang đến câu chuyện phục hồi kinh tế lạc quan, đúng như ý kiến đánh giá của Giáo sư Klaus Schwab tại buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thông qua tham dự WEF Davos 2023, đoàn Việt Nam góp phần khẳng định những thành tựu phục hồi và tăng trưởng nổi bật của kinh tế Việt Nam trong năm qua và trọng tâm, ưu tiên phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, trong đó bao gồm đảm bảo an ninh lương thực và an ninh năng lượng, chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững; thực hiện Thỏa thuận quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và Nhóm Đối tác quốc tế; thu hút, mở rộng sự quan tâm và kêu gọi đầu tư từ các nguồn tiềm năng của các tập đoàn, quỹ đầu tư và các định chế tài chính khách cho các lĩnh vực kinh tế- xã hội ưu tiên.
WEF do Klaus Schwab, GS kinh tế tại Đại học Geneva, thành lập năm 1971 với tên gọi Diễn đàn Quản trị châu Âu (EMF). Mục đích tổ chức ban đầu của WEF là để thảo luận về các khái niệm quản lý hiện đại.
Từ năm 1987, EMF đã đổi tên thành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Các chính trị gia mới chỉ tham gia cuộc họp từ năm 1994 và WEF chính thức có tư cách là một tổ chức quốc tế độc lập từ năm 2015.
Đến nay, diễn đàn quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hằng năm tại Davos, Thụy Sĩ. Cùng với hội nghị tại Davos, hằng năm WEF cũng tổ chức các diễn đàn khu vực, tiêu biểu là Hội nghị WEF về Đông Á (nay là WEF ASEAN), Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF về Ấn Độ, Hội nghị WEF về Mỹ Latin, Hội nghị WEF về Trung Đông…
Đây đều là những cơ hội lớn để các đại biểu trao đổi về các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm, cũng như tăng cường các hoạt động kết nối, mở rộng quan hệ đối tác.
Theo TTXVN/Vietnam+