Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 13/1 thông báo với Quốc hội rằng nước này sẽ chạm mức trần nợ vào ngày 19/1 và sau đó, Bộ Tài chính sẽ bắt đầu triển khai "các biện pháp đặc biệt nhất định để ngăn Mỹ vỡ nợ”.
Trong bức thư gửi tân Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, bà Yellen thừa nhận hiện Bộ Tài chính không thể ước tính những biện pháp khẩn cấp đó sẽ giúp chính phủ Mỹ trả nợ công được bao lâu, đồng thời cảnh báo rằng Quốc hội cần phải ra tay kịp thời để "tăng hoặc tạm ngưng trần nợ”.
Lá thư có đoạn viết: “Chính phủ nếu không trả được nợ sẽ gây thiệt hại không thể bù đắp cho nền kinh tế Mỹ, đời sống của tất cả người dân Mỹ và sự ổn định tài chính toàn cầu. Tôi trân trọng hối thúc Quốc hội ra tay kịp thời để bảo vệ uy tín của Mỹ”.
Trần nợ là ngưỡng hay giới hạn mà Quốc hội đặt ra cho chính phủ liên bang, chỉ cho phép chính phủ được vay tiền tới một mức nào đó để trang trải các khoản chi tiêu như trợ cấp an sinh xã hội và Medicare (chương trình bảo hiểm y tế của chính phủ liên bang trợ cấp cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe), lương cho quân nhân, tiền lời nợ quốc gia, tiền hoàn thuế và những khoản khác.
Luật pháp Mỹ quy định mỗi khi tổng số nợ mà Bộ Tài chính vay đã “đụng trần” thì bộ này phải đề nghị Quốc hội “nâng” trần nợ lên, nếu không sẽ không được vay thêm.
Do Chính phủ Mỹ chi nhiều hơn thu nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngân sách thâm hụt, buộc chính phủ phải đi vay để bù vào chỗ thâm hụt đó, nhất là trong những giai đoạn kinh tế suy thoái, thiên tai dịch bệnh. Cách vay thông thường của chính phủ là phát hành công trái, trái phiếu ngắn và dài hạn.
Thông báo của bà Yellen được coi như bấm giờ đếm ngược thời gian chính phủ liên bang có thể tiếp tục trả nợ công thêm bao lâu. Hồi tháng 12/2021, Quốc hội Mỹ đã phải tăng trần nợ lên khoảng 31.400 tỉ USD.
Theo TTXVN/Vietnam+