Bộ Y tế Indonesia ngày 2/5 khuyến cáo người dân tăng cường theo dõi và cảnh giác với bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em sau khi nước này ghi nhận 3 trường hợp bệnh nhi tử vong nghi ngờ do bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân.
Trong thông cáo báo chí, Bộ Y tế Indonesia cho biết 3 bệnh nhi tử vong có các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy nặng, sốt, vàng da, co giật và mất ý thức.
Bộ khuyến cáo phụ huynh nên đưa trẻ em có những biểu hiện này đến bệnh viện sớm. Hiện Bộ Y tế Indonesia đang tiến hành điều tra nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan cấp tính thông qua một cuộc kiểm tra toàn diện về virus.
Người phát ngôn Bộ Y tế kêu gọi người dân cẩn thận và bình tĩnh trong thời gian Bộ Y tế tiến hành điều tra, thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay, đảm bảo thực phẩm được nấu chín và sạch sẽ, vệ sinh dụng cụ ăn uống, tránh tiếp xúc với người bệnh.
Bộ này cũng đã ban hành thông tư về việc đề phòng phát hiện các trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân nhằm đẩy mạnh giám sát dịch bệnh trên toàn quốc.
Thông tư yêu cầu các văn phòng y tế địa phương, cơ sở y tế, phòng thí nghiệm y tế cộng đồng và các bệnh viện, cùng với những viện nghiên cứu khác theo dõi và báo cáo các trường hợp mắc hội chứng vàng da cấp tính, cập nhật vào Hệ thống cảnh báo và ứng phó sớm (SKDR).
Các triệu chứng cần chú ý như da và củng mạc đổi màu, nước tiểu vàng, sẫm màu xuất hiện đột ngột. Các địa phương, cơ sở y tế tuyên truyền phổ biến các biện pháp phòng ngừa thông qua việc thực hiện hành vi sống sạch sẽ và khỏe mạnh.
Bộ Y tế Indonesia cũng yêu cầu các bên liên quan thông báo để người dân đến ngay cơ sở, dịch vụ y tế gần nhất kiểm tra sức khỏe nếu họ mắc hội chứng của bệnh vàng da, đồng thời xây dựng và củng cố mạng lưới giám sát trên các chương trình và ứng dụng liên ngành.
Liên quan đến bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em, mới đây, một nghiên cứu do Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho thấy 9 trẻ em ở bang Alabama mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân đều có kết quả xét nghiệm dương tính với một mầm bệnh phố biến được gọi là adenovirus 41. Trong khi đó, bang Wisconsin của Mỹ đang điều tra một trường hợp tử vong tại bang này.
Trong tuyên bố, CDC Mỹ khẳng định: "Tại thời điểm này, chúng tôi cho rằng adenovirus có thể là nguyên nhân gây ra các ca bệnh đã được báo cáo. Tuy nhiên, các yếu tố khác vẫn đang được điều tra, trong đó có yếu tố môi trường".
Theo CDC Mỹ, adenovirus 41 được biết đến là loại virus gây bệnh viêm dạ dày ruột ở trẻ em, song ít được cho là nguyên nhân gây bệnh viêm gan ở trẻ khỏe mạnh. Tuy nhiên, một cuộc điều tra đã loại trừ các yếu tố phơi nhiễm phổ biến khác, trong đó có COVID-19; virus viêm gan A, B và C; viêm gan tự miễn và bệnh Wilson.
Cả 9 trường hợp nói trên ở Alabama mắc viêm gan không rõ nguyên nhân trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 2/2022. Trong số đó, 3 trẻ bị suy gan cấp tính và 2 trẻ trong số này phải ghép gan.
Trước khi nhập viện, hầu hết trẻ đều bị nôn trớ, tiêu chảy, một số có các vấn đề về đường hô hấp trên. Trong khi điều trị tại bệnh viện, hầu hết các bệnh nhi bị vàng mắt, vàng da và gan to.
Tại Anh, Cơ quan an toàn y tế (UKHSA) cũng đã ghi nhận 34 trường hợp mắc viêm gan không rõ nguyên nhân tại nước này kể từ ngày 25/4. Trong số này có 10 trẻ phải ghép gan, song không có trường hợp nào tử vong. Như vậy, tính đến nay đã có 145 trẻ tại Anh mắc bệnh này.
Theo UKHSA, số ca mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ gia tăng có thể liên quan tới adenovirus. Hiện, cơ quan này đang điều tra các khả năng lây nhiễm khác, trong đó có COVID-19 và môi trường. Adenovirus thường lây lan khi tiếp xúc gần, qua các giọt bắn và bề mặt. Có hơn 50 loại adenovirus, hầu hết gây cảm lạnh, nhưng cũng có nhiều bệnh khác.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong những tuần gần đây khoảng 190 trẻ tại 11 quốc gia, trong độ tuổi từ 1-6, có tiền sử khỏe mạnh, đã mắc bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)