Đối mặt với những bất ổn và thách thức do môi trường toàn cầu phức tạp và bùng phát COVID-19 tại nhiều thành phố, Trung Quốc tăng cường chính sách hỗ trợ nhằm giúp các công ty sản xuất vượt qua khó khăn và vượt qua làn sóng số hóa.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số Nhà quản trị mua hàng đối với lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm từ 49,5 (điểm) của tháng Ba xuống còn 47,4 (điểm) trong tháng 4/2022, thấp hơn mốc 50 điểm - phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các giá trị nền tảng dài hạn của Trung Quốc không thay đổi, và những nỗ lực của chính quyền trong thời gian vừa qua nhằm thông suốt hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng, cùng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sẽ củng cố ổn định thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc, bao gồm chính sách thuế. Cơ quan thuế của Trung Quốc đã cung cấp tổng cộng 333,5 tỉ nhân dân tệ (50,47 tỉ USD) tiền thuế và phí hoãn lại trong quý 1 và khoản hoàn thuế giá trị gia tăng ước sẽ đạt xấp xỉ 1.500 tỉ nhân dân tệ trong năm 2022 dành cho các doanh nghiệp sản xuất cỡ siêu nhỏ, nhỏ và vừa trên toàn quốc.
Nhằm giúp các nhà máy tiếp tục sản xuất trong bối cảnh COVID-19 bị gián đoạn, Trung Quốc đã thiết lập phương pháp tiếp cận "danh sách trắng" để hỗ trợ nối lại công việc cho các công ty chủ chốt trong chuỗi công nghiệp và giảm thiểu tác động của COVID-19 đối với chuỗi cung ứng.
Đối với các nhà sản xuất, số hóa có nghĩa là giảm sự bất cân xứng về thông tin và tăng tính minh bạch của chuỗi cung ứng, cho phép tăng trưởng chất lượng và cho phép phản ứng tốt hơn với những biến động của thị trường.
Theo kế hoạch phát triển của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT), Trung Quốc sẽ được số hóa về cơ bản và xây dựng hơn 500 nhà máy trình diễn sản xuất thông minh hàng đầu trong ngành vào năm 2025.
MIIT đã thúc giục nỗ lực tận dụng hiệu quả 5G, Internet công nghiệp và các công nghệ kỹ thuật số khác để giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn và ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp.
* Lệnh phong tỏa để phòng dịch COVID-19 đối với TP Thượng Hải (Trung Quốc) là một đòn giáng mạnh đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chao đảo do đại dịch COVID-19 và những căng thẳng Nga - Ukraine.
Cảng Thượng Hải là cảng container bận rộn nhất thế giới. Theo World Port Source, đây là nơi ra vào của khoảng 2.000 tàu biển mỗi tháng, xử lý lượng hàng hóa nhiều gấp 4 lần khối lượng hàng hóa đi qua cảng Los Angeles (Mỹ), theo dữ liệu từ chính quyền cảng của cả 2 thành phố trong năm 2021.
Nhưng giờ đây, với những quy định kiểm dịch mới, cảng Thượng Hải đang bị quá tải và phải đối mặt với lượng tàu và lượng hàng ùn tắc chưa từng có, gây ra sự chậm trễ và hỗn loạn đáng kể trong công tác giao hàng trên toàn thế giới.
Những hình ảnh vệ tinh kỹ thuật số ghi nhận tại cảng nằm ở bờ biển phía đông Trung Quốc này cho thấy lượng lớn tàu đang "mắc kẹt" tại đây.
Chuyên gia về chuỗi cung ứng - ông David Leaney cảnh báo rằng việc cảng Thượng Hải chịu sức ép quá lớn về lưu lượng hàng hóa sẽ có thể gây ra sự chậm trễ trong tiến độ giao hàng suốt cả phần còn lại của năm 2022.
Phát biểu trong chương trình Today Show ngày 30/4, ông Leaney cho biết: “Điều này đang ảnh hưởng đến rất nhiều mặt hàng khác nhau. Sự chậm trễ có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng... Nếu bạn đặt hàng một món đồ có giá trị lớn, hoặc đặc biệt là thứ gì đó có gắn vi mạch, thì thời gian chờ đợi này có thể còn lâu hơn nữa, vì chúng sẽ vướng phải các vấn đề về chuỗi cung ứng riêng biệt".
Theo Maersk - một trong những công ty vận chuyển container lớn nhất thế giới, việc TP Thượng Hải bị phong tỏa có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và đẩy chi phí lên cao.
Hãng này nhận định: "Dịch vụ vận chuyển hàng hóa đi và đến Thượng Hải sẽ chịu ảnh hưởng tới 30%. Bởi các khu vực Phố Đông và Phố Tây của thành phố - được ngăn cách bởi con sông Hoàng Phố - đều bị phong tỏa hoàn toàn. Do đó, thời gian giao hàng và chi phí vận chuyển sẽ tăng cao".
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)