Thứ Bảy, 18/01/2025 08:08 SA
Dòng phụ mới của biến thể Omicron có khả năng lẩn trốn hệ miễn dịch
Thứ Hai, 02/05/2022 09:17 SA

Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy các phần tử virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

* New Zealand thử nghiệm công nghệ xét nghiệm COVID-19 mới

 

Theo trang tin Bloomberg, trong tháng 4 vừa qua, các nhà khoa học Nam Phi đã phát hiện 2 dòng phụ mới BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron tại thời điểm số ca mắc COVID-19 tăng đột ngột.

 

Một nghiên cứu mới trong phòng thí nghiệm cho thấy các biến thể này có khả năng tránh được hệ miễn dịch tự nhiên có được sau khi mắc bệnh lẫn "rào chắn" được tạo ra từ việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19.   

 

Nghiên cứu được thực hiện tại phòng thí nghiệm của Viện nghiên cứu Sức khỏe châu Phi ở Durban với 24 người từng nhiễm biến thể Omicron ban đầu của virus SARS-CoV-2 nhưng chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và 15 người đã tiêm vắc xin.

 

Các mẫu máu thu được cho thấy ở những người từng nhiễm Omicron, lượng kháng thể trung hòa giảm gần 8 lần khi được thử nghiệm với các biến thể phụ BA.4 và BA.5. Đối với những người đã tiêm phòng, lượng kháng thể trung hòa giảm khoảng 3 lần trong quá trình thử nghiệm tương tự.

 

Tuy nhiên, lượng kháng thể này vô cùng thấp ở những người chưa tiêm phòng. Do vậy, nhóm này không có khả năng đề kháng với 2 biến thể phụ mới, từ đó tiềm ẩn nguy cơ BA.4 và BA.5 có thể gây ra một làn sóng lây nhiễm mới.

 

Kết quả nghiên cứu trên được công bố trong bối cảnh gia tăng số ca mắc mới tại Nam Phi - quốc gia lần đầu tiên trải qua làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron sau khi biến thể này lần đầu được phát hiện tại đây và quốc gia láng giềng Botswana.

 

Phòng nghiên cứu của Viện nghiên cứu Sức khỏe châu Phi là đơn vị đầu tiên xét nghiệm biến thể ban đầu Omicron của virus SARS-CoV-2 dựa trên phân tích mẫu máu.

 

* Theo stuff.co.nz ngày 1/5, New Zealand đã quyết định thử nghiệm một công nghệ xét nghiệm COVID-19 mới được cho là cho kết quả có độ chính xác cao trong một thời gian ngắn.

 

Thứ trưởng Y tế Ayesha Verrall cho biết chính phủ sẽ phối hợp cùng hãng hàng không Air New Zealand thử nghiệm bộ xét nghiệm Lucira Check-It với nhân viên hãng này trong thời gian 3 tháng.

 

Bà nhấn mạnh: "Khi New Zealand kết nối lại với thế giới, chúng tôi đang khám phá công nghệ xét nghiệm tiên tiến giúp đem lại sự an toàn cho mọi người, giảm tối thiểu những trở ngại khi chào đón du khách".

 

Xét nghiệm mới này sử dụng công nghệ khuếch đại đẳng nhiệt qua trung gian vòng lặp (LAMP), được cho là có thể kết hợp tốc độ nhanh chóng của xét nghiệm nhanh với độ chính xác cao của xét nghiệm PCR. Xét nghiệm LAMP có chi phí thấp hơn xét nghiệm PCR và thuận tiện hơn, có thể tự thực hiện và cho kết quả trong vòng 30 phút.

 

Chi phí cho cuộc thử nghiệm này được chia sẻ giữa chính phủ và Air New Zealand. Giá bán lẻ của xét nghiệm này ở nước ngoài là vào khoảng 75 USD. Bà Verrall không cho biết số kit test chính xác dùng cho cuộc thử nghiệm này nhưng nói rằng sẽ là "hàng chục nghìn".

 

Theo đánh giá của quan chức này, xét nghiệm công nghệ LAMP có thể cung cấp một lựa chọn thuận tiện hơn cho khách du lịch, nhân viên làm việc ở biên giới, nhân viên y tế, nhân viên du lịch...Xét nghiệm cũng có thể được sử dụng ở những nơi nguy cơ dịch cao như bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi.

 

Cuộc thử nghiệm trên được triển khai trùng với thời điểm những du khách đầu tiên từ các quốc gia được miễn visa có thể trở lại Zealand từ 23:59 ngày 1/5.

 

T.LÊ (TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek