Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Ukraine ngày 11/4 cho biết phái đoàn này đã nối lại hoạt động ở Kiev.
EU đã sơ tán phái đoàn ngoại giao của liên minh này từ Kiev sang TP Rzeszow của Ba Lan ngay sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine hồi cuối tháng 2. Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã có chuyến thăm Ukraine nhằm đẩy nhanh quy trình đưa nước này gia nhập EU.
Cũng trong ngày 11/4, trong cuộc họp ở Luxembourg, ngoại trưởng các quốc gia thành viên EU đã bắt đầu thảo luận về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga nhưng các bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.
Hầu hết các bộ trưởng đều đề nghị các biện pháp trừng phạt tối đa đối với Nga với việc ngừng mua dầu và khí đốt của quốc gia này. Tuy nhiên, để có thể áp dụng được gói trừng phạt mới thì cần phải có sự thống nhất trong toàn liên minh.
Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney cho rằng điều này rất khó bởi một số nước như Đức, Áo, Ý hay Hungary vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt từ Nga để vận hành nền kinh tế. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết nước này đang giảm dần nhiên liệu hóa thạch nhưng để loại bỏ hoàn toàn thì cần phải có thời gian.
EU đã thông qua 5 gói trừng phạt đối với Nga, trong đó có lệnh cấm vận đối với than đá của Nga đều đã được 27 nước nhất trí thông qua. Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban từ chối gia tăng thêm các biện pháp chống lại Moscow.
Tại cuộc họp, các bộ trưởng cũng thông qua việc giải ngân thêm 500 triệu euro để tiếp tục tài trợ cho Kiev. Trước đó, 27 quốc gia EU đã chấp thuận hỗ trợ cho Ukraine 1 tỉ euro.
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết cơ quan này đã mở một chiến dịch mang tên Oscar nhằm vào tài sản của các cá nhân cũng như doanh nghiệp Nga trong danh sách trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Chiến dịch này có sự tham gia của các nước thành viên EU cũng như Cơ quan tư pháp châu Âu (Eurojust) và Cơ quan bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex).
Trong một tuyên bố, Europol cho biết chiến dịch Oscar sẽ tạo điều kiện cho các đối tác trao đổi thông tin và hỗ trợ hành động trong một số cuộc điều tra tài chính nhằm vào các tài sản tình nghi và hành vi "lách" các lệnh trừng phạt kinh tế của EU nhằm vào Nga. Dự kiến, chiến dịch Oscar sẽ kéo dài ít nhất 1 năm và sẽ có một số cuộc điều tra riêng biệt.
Trong diễn biến khác, Bộ Tài chính Ukraine ngày 11/4 đã hoan nghênh việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lập một tài khoản riêng nhằm tạo kênh an toàn để các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế hỗ trợ tài chính cho quốc gia Đông Âu này.
Ban điều hành IMF đã thông qua việc thiết lập tài khoản này ngày 8/4 sau khi Chính phủ Canada đề xuất giải ngân 1 tỉ CAD (hơn 791 triệu USD) thông qua một cơ chế do IMF quản lý.
Tài khoản mới này sẽ cho phép các nhà tài trợ cung cấp các khoản viện trợ và cho vay nhằm giúp Chính phủ Ukraine giải quyết vấn đề về cán cân thanh toán, nhu cầu ngân sách và giúp ổn định nền kinh tế của nước này trong bối cảnh xảy ra xung đột.
Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko tuần trước cho biết Chính phủ Ukraine đang tìm kiếm 4 tỉ euro tài trợ nước ngoài, ngoài khoản 3 tỉ euro mà nước này đã nhận được để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách.
Trong khi đó, theo trung tâm phân tích tại Trường Kinh tế Kiev của Ukraine, thiệt hại kinh tế trực tiếp của nước này do hệ thống cơ sở hạ tầng bị phá hủy kể từ khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt của Nga đã lên tới 80,4 tỉ USD. So với tuần trước, con số thiệt hại đã tăng thêm 12,2 tỉ USD.
Theo các nhà phân tích, tổng thiệt hại đối với nền kinh tế Ukraine - bao gồm sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), rút các khoản đầu tư, cắt giảm lao động và chuyển hướng chi phí - dao động từ 564-600 tỉ USD. Những thiệt hại lớn nhất trong số những cơ sở công nghiệp được ghi nhận tại các xí nghiệp luyện kim và lọc dầu, ngoài ra, lĩnh vực chế tạo máy cũng chịu thiệt hại nặng nề, ở mức khoảng 6,5 tỉ USD.
Trong diễn biến khác, ngày 12/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko sẽ có chuyến thăm sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Amur của Nga. Dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ tiến hành cuộc hội đàm song phương và họp báo sau đó. Ngày 12/4 cũng là Ngày Vũ trụ quốc tế.
Thông báo chương trình hoạt động nói trên, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin sẽ khen thưởng các nhà du hành vũ trụ và ông cùng với Tổng thống Lukashenko cũng sẽ có cuộc gặp các nhân viên tại sân bay vũ trụ Vostochny.
Sau đó, hai nhà lãnh đạo sẽ tiến hành hội đàm, thảo luận vấn đề phát triển mối quan hệ hợp tác song phương và thúc đẩy hợp tác theo hướng hội nhập trong khuôn khổ Nhà nước liên minh.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết nội dung cuộc hội đàm cũng sẽ tập trung vào tình hình Ukraine và các vấn đề liên quan. Về phía Belarus, nước này cho biết trong chuyến thăm đến Vostochny, Tổng thống Lukashenko dự kiến thảo luận các biện pháp chung với Nga nhằm ứng phó với sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên trong năm nay của Tổng thống Nga tới khu vực này. Dự kiến, người đứng đầu nước Nga sẽ làm việc với giới chức quản lý sân bay vũ trụ Vostochny, Tổng Giám đốc Cơ quan Hàng không vũ trụ Nga - Roscosmos - ông Dmitry Rogozin, và Thống đốc vùng Amur - ôngVasily Orlov.
Trong khi đó, trong khuôn khổ chuyến thăm vùng Viễn Đông của Nga, Tổng thống Lukashenko cũng sẽ có các buổi làm việc với giới chức các khu vực tại đây.
Trước đó, theo hãng thông tấn APA của Áo ngày 11/4, Thủ tướng nước này Karl Nehammer đánh giá cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra ngày 11/4 "rất khó khăn nhưng cởi mở”. Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Putin tại Moscow, Thủ tướng Nehammer nhận định "đây không phải là một chuyến thăm thuận lợi". Theo ông, thông điệp quan trọng nhất mà ông gửi tới Tổng thống Putin là chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Thủ tướng Nehammer cũng nhấn mạnh với ông Putin rằng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga sẽ vẫn duy trì và thậm chí sẽ còn hà khắc hơn chừng nào xung đột vẫn tiếp diễn ở Ukraine. Thủ tướng Nehammer cũng cho biết ông đã nói với Tổng thống Putin rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky muốn gặp trực tiếp người đứng đầu nước Nga để đàm phán.
Theo ông Nehammer, trong cuộc gặp, Tổng thống Putin đã khẳng định quyết tâm giải quyết vấn đề Donbass bất chấp các biện pháp trừng phạt mà ông cho là khó khăn đối với Nga.
Trong khi đó, Văn phòng Thủ tướng Áo cho biết chuyến thăm Nga của ông Nehammer có 3 mục tiêu nhân đạo chính, gồm ngay lập tức ngừng các hành động thù địch, mở các hành lang nhân đạo để sơ tán người dân và bảo đảm tiếp cận nhân đạo cho Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) cũng như các tổ chức nhân đạo khác.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và Thủ tướng Nehammer diễn ra trong thời gian ngắn và hiện ông chưa thể nói gì về nội dung cuộc gặp này. Tuy nhiên, trước khi cuộc gặp diễn ra, ông Peskov cho biết chủ đề chính mà hai bên đề cập là tình hình xung quanh vấn đề Ukraine và cũng có thể thảo luận vấn đề khí đốt. Theo ông Peskov, đây là cuộc gặp kín được tổ chức theo đề xuất của phía Áo, không có sự tham gia của truyền thông cũng như không đưa ra thông cáo báo chí.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)