Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/4 cho biết đang theo dõi làn sóng dịch bệnh hiện nay tại Trung Quốc đại lục, nơi chứng kiến số ca mắc mới đang ngày một gia tăng mà giới chức nước này cho là do sự lây lan của phiên bản BA.2 của biến thể Omicron.
Tiến sĩ Kate O’Brien, Giám đốc chương trình tiêm chủng và vắc xin của WHO, cho biết cơ quan này đang liên hệ với các cơ quan y tế công cộng ở Trung Quốc về việc số ca mắc mới COVID-19 gia tăng trở lại.
Theo ông, WHO sẽ tiếp tục theo dõi các đợt phong tỏa, cách thức ứng phó với dịch bệnh để đưa ra đánh giá.
Tuyên bố trên của WHO được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang vật lộn với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ khi virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Vũ Hán hơn 2 năm trước.
Số ca bệnh ở Trung Quốc tương đối thấp so với hầu hết các nước, nhưng riêng ngày 10/4, nước này ghi nhận thêm 1.184 ca mắc mới có triệu chứng và 26.411 ca không triệu chứng - mức cao chưa từng thấy trong 1 ngày.
Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Trung Quốc đã quyết định phong tỏa một số khu vực, áp dụng hình thức học trực tuyến, đặc biệt là tại Thượng Hải - địa phương ghi nhận tới 26.000 ca mắc mới trong ngày 10/4. Hiện 26 triệu người dân của thành phố này vẫn phải ở trong nhà trong khoảng 1 tuần.
Thống kê của Our World In Data cho thấy tính đến ngày 5/4, khoảng 88,5% dân số Trung Quốc đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19.
Các quan chức và chuyên gia Trung Quốc đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ chính sách "không COVID" (zero-COVID) một cách linh hoạt để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa giảm thiểu tác động đến phát triển kinh tế.
Trong khi đó, ngày 12/4, lần đầu tiên sau 2 tuần, nhiều người dân Thượng Hải (Trung Quốc) đã được phép rời khỏi nhà, khi thành phố này thực hiện nới lỏng phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh ngày càng nhiều quan ngại về các tác động kinh tế của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt.
Trước đó một ngày, chính quyền Thượng Hải đã phân loại hơn 7.000 khu dân cư là khu vực có nguy cơ thấp khi không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 nào trong vòng 14 ngày và một số khu dân cư đặc thù ở các quận cho phép người dân ra khỏi nhà. Tuy nhiên, trong khi một số người được phép ra khỏi nhà trong ngày 12/4, vẫn còn nhiều người đang đợi sự cho phép của chính quyền.
Theo giới chức Thượng Hải, người dân sinh sống tại các khu vực có nguy cơ thấp hơn, được biết đến là "khu vực phòng ngừa", vẫn phải chịu sự kiểm soát và phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Sau một thời gian dài phong tỏa, nhiều người muốn ra ngoài hít thở không khí, mua sắm thực phẩm, thuốc men và đi chữa bệnh.
Tuy nhiên, nếu nhiều người tụ tập không kiểm soát sẽ gây ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với công tác phòng chống dịch.
Hiện chính quyền Thượng Hải cũng đang nỗ lực mở lại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và hiệu thuốc, song các cơ sở kinh doanh không thiết yếu vẫn sẽ bị đóng cửa.
Trung Quốc hiện đang phong tỏa toàn bộ hoặc một phần đối với 45 thành phố, chiếm 26,4% dân số cả nước. Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo Trung Quốc cần “hết sức cảnh giác” trước những áp lực suy giảm kinh tế và cho biết cuộc chiến chống COVID-19 cần phải kết hợp với phát triển kinh tế và xã hội.
Trong khi đó, số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại tại Mỹ ngay cả khi nhiều người dân mong muốn gác lại những nỗi lo lắng này để hướng tới cuộc sống bình thường mới. Thủ đô Washington đã chứng kiến một loạt ca mắc COVID-19 trong các thành viên quốc hội và chính quyền, và số ca mắc trong thành phố nói chung cũng đang gia tăng.
Số ca mắc tại New York và các khu vực khác ở vùng Đông Bắc cũng đang tăng lên, với việc Philadelphia ngày 11/4 thông báo sẽ ban hành quy định bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trong nhà.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định có những cơ sở để dự đoán mọi sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 trong thời gian tới có khả năng sẽ ít gây thiệt hại hơn so với những làn sóng trước đó.
Sự kết hợp giữa vắc xin, mũi tiêm nhắc lại và phương pháp điều trị mới đồng nghĩa ngay cả khi số ca bệnh tăng lên, số ca nhập viện và tử vong được kỳ vọng sẽ không tăng quá mức.
Nhà Trắng đang kỳ vọng chương trình tiêm mũi vắc xin tăng cường và việc cung cấp thuốc điều trị COVID-19 có thể chống lại bất kỳ làn sóng dịch nào bùng phát trong thời điểm hiện tại, thay vì các biện pháp bắt buộc đeo khẩu trang hay đóng cửa doanh nghiệp.
Phát biểu trên kênh truyền hình MSNBC ngày 11/4, ông Ashish Jha, điều phối viên ứng phó với đại dịch COVID-19 của Nhà Trắng, nhấn mạnh: "Chúng ta không cần phải để dịch COVID-19 điều khiển cuộc sống của mình nữa. Chúng ta hiện có rất nhiều liệu pháp được áp dụng rộng rãi cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn".
Phù hợp với cách tiếp cận mới này, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vào cuối tháng 2 đã ban hành hướng dẫn mới, theo đó người dân không cần đeo khẩu trang trừ khi số ca mắc và nhập viện tăng lên rõ rệt.
Giáo sư y tế công cộng Leana Wen tại Đại học George Washington cũng nhận định không cần thiết phải khôi phục các biện pháp hạn chế để ngăn dịch lây lan nếu các bệnh viện không bị quá tải trở lại.
Trong cuộc phỏng vấn với ABC, Cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci cũng nhận định nước Mỹ đang trong thời điểm mà người dân sẽ phải sống chung với một mức độ virus SARS-CoV-2 tồn tại trong cộng đồng.
Khi số ca mắc tăng lên, ông Fauci tin rằng mức độ nghiêm trọng sẽ không gia tăng, xét theo số ca cần nhập viện và tử vong.
Mặc dù vậy, ông Fauci cũng cảnh báo ngay cả khi các bệnh nhân mắc COVID-19 không phải nhập viện, nguy cơ mắc hội chứng "COVID kéo dài" ("Long COVID") có thể xảy ra như mệt mỏi và khó tập trung thậm chí vài tháng sau lần đầu tiên mắc bệnh.
Trong khi đó, điều phối viên Jha cũng lưu ý rằng vẫn còn rất nhiều người Mỹ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm mũi tăng cường, vì vậy hậu quả vẫn còn khá lớn khi họ mắc bệnh. Do đó, chính quyền muốn khuyến khích những người này tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và xem đây là "giải pháp quan trọng hàng đầu" trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)