* WTO cảnh báo căng thẳng Nga - Ukraine ảnh hưởng lớn thương mại toàn cầu
Giám đốc Tổ chức Phụ nữ của Liên Hợp Quốc (UN Women) Sima Bahous ngày 11/4 kêu gọi có các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ phụ nữ và trẻ em ở Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên Hợp Quốc, phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bà Bahous cho biết đã nhận được ngày càng nhiều thông tin gần đây về các vụ bạo lực nhằm vào phụ nữ xảy ra tại Ukraine và cho rằng cần tiến hành điều tra độc lập để làm rõ những thông tin đó để đảm bảo công lý được thực thi. Vừa trở về sau chuyến đi thực địa tới khu vực gần nơi xảy ra xung đột, bà Bahous cho biết tình trạng bạo lực tại Ukraine đã lên tới mức báo động.
Trong khi đó, ông Manuel Fontaine, Giám đốc các chương trình khẩn cấp của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng lên tiếng kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời cảnh báo nguy cơ trẻ em tại đây đang đối mặt với nạn đói.
Ông Fontaine cho biết có tới một nửa trong tổng số 3,2 triệu trẻ em ở Ukraine không có đủ lương thực tối thiểu để tồn tại, nhất là ở các thành phố như Mariupol và Kherson, nơi các gia đình thậm chí thiếu cả nước sinh hoạt, các dịch vụ vệ sinh tối thiểu, lương thực và đồ chăm sóc y tế trong mấy tuần vừa qua.
Bà Mona Juul, Đại sứ Na Uy tại Liên Hợp Quốc, cũng bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của cuộc xung đột đối với trẻ em ở Ukraine vì hàng loạt các trường học phải đóng cửa, đồng thời kêu gọi chấm dứt xung đột và bảo vệ trẻ em.
Phó Đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, ông Dai Bing cũng đã kêu gọi cần sớm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây, cũng như hỗ trợ phụ nữ và trẻ em tại các khu vực xung đột.
Theo một nguồn tin ngoại giao, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp về tình hình nhân đạo tại Ukraine vào tuần tới. Phiên họp sắp tới, do Pháp và Mexico khởi xướng, sẽ tập trung thảo luận về vấn đề người di cư, công dân nước thứ ba và nạn buôn người.
Trong diễn biến khác, ngày 11/4, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cảnh báo xung đột giữa Nga và Ukraine có thể làm giảm 50% tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm nay và kéo lùi tăng trưởng GDP của thế giới.
Trong phân tích đầu tiên về tác động của căng thẳng Nga-Ukraine được Ban Thư ký WTO đưa ra trước khi công bố dự báo thương mại thế giới toàn cầu, tổ chức này nhận định cuộc xung đột đã "giáng một đòn mạnh" vào nền kinh tế toàn cầu.
Dựa trên mô hình mô phỏng kinh tế toàn cầu, WTO dự báo căng thẳng Nga - Ukraine có thể khiến tăng trưởng GDP giảm 0,7-1,3% xuống còn 3,1%-3,75% trong năm 2022. Tổ chức này cũng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay có thể giảm gần 50% của mức dự báo 4,7% hồi tháng 10 năm ngoái xuống còn khoảng 2,4-3%.
Ban Thư ký WTO cũng cho biết xung đột đã đẩy giá lương thực và năng lượng lên cao, đồng thời làm giảm khả năng cung cấp hàng hóa xuất khẩu của Nga và Ukraine.
Cả Nga và Ukraine đều là những nhà cung cấp quan trọng các sản phẩm thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm và năng lượng. Hai nước cung cấp khoảng 25% lúa mì, 15% lúa mạch và 45% sản phẩm hướng dương xuất khẩu trên toàn cầu vào năm 2019. Riêng Nga đã chiếm 9,4% thương mại nhiên liệu thế giới, bao gồm 20% thị phần xuất khẩu khí đốt tự nhiên.
WTO nhấn mạnh Nga là một trong những nhà cung cấp palladium và rhodium toàn cầu, là những nguyên tố quan trọng trong sản xuất bộ chuyển đổi xúc tác cho ôtô.
Trong khi đó, sản xuất chất bán dẫn phụ thuộc đáng kể vào khí neon do Ukraine cung cấp. Sự gián đoạn nguồn cung các nguyên liệu này có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô vào thời điểm ngành công nghiệp này đang phục hồi sau tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn.
Cũng theo phân tích, châu Âu, điểm đến chính của cả hàng xuất khẩu từ Nga và Ukraine, có thể sẽ phải hứng chịu tác động kinh tế. Gián đoạn trong vận chuyển các lô hàng ngũ cốc và thực phẩm khác cũng sẽ làm tăng giá nông sản.
Châu Phi và Trung Đông là những khu vực dễ bị tổn thương nhất, vì hai khu vực này nhập khẩu hơn 50% nhu cầu ngũ cốc từ Ukraine và/hoặc Nga. Tổng cộng có 35 quốc gia ở châu Phi nhập khẩu lương thực và 22 quốc gia nhập khẩu phân bón từ Ukraine, Nga hoặc từ cả hai nước.
Trong khi đó, một số quốc gia ở Nam Sahara của châu Phi cũng đang phải đối mặt với nguy cơ giá lúa mì tăng cao tới 50-85% do tác động của cuộc khủng hoảng đối với các lô hàng ngũ cốc. Do đó, WTO cảnh báo cuộc khủng hoảng hiện nay có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực quốc tế vào thời điểm mà giá lương thực đã ở mức cao trong lịch sử do đại dịch COVID-19 và các yếu tố khác.
Về dài hạn, WTO cảnh báo cuộc xung đột Nga-Ukraine thậm chí có thể châm ngòi cho việc phân rã nền kinh tế toàn cầu thành các khối riêng biệt. Các biện pháp trừng phạt có thể khiến các nền kinh tế lớn tiến tới "chia tách" dựa trên các cân nhắc địa chính trị, với mục tiêu đạt được khả năng tự cung tự cấp nhiều hơn trong sản xuất và thương mại. Các tổ chức tư nhân cũng có thể quyết định giảm thiểu rủi ro bằng cách định hướng lại chuỗi cung ứng.
WTO cảnh báo rằng thiệt hại đối với thu nhập từ sự phát triển theo chiều hướng như vậy "sẽ rất nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển". Ở cấp độ toàn cầu, xu hướng này có thể làm giảm khoảng 5% GDP trong dài hạn thông qua việc hạn chế cạnh tranh và kìm hãm sự đổi mới, dẫn tới việc GDP có thể sụt giảm nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 11/4 đã thông báo với Liên minh châu Âu (EU) rằng các lệnh trừng phạt hiện nay và sắp tới nhằm vào Nga có thể dẫn tới một trong những cú sốc về lượng dầu cung cấp lớn nhất trong lịch sử và khó có thể tìm cách thay thế thiệt hại, đồng thời ám chỉ tới việc sẽ không tăng sản lượng dầu.
Tổng thư ký OPEC Mohamed Barkindo cho biết: "Chúng tôi nhận thấy có khả năng sẽ mất khoảng hơn 7 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga do các lệnh trừng phạt hiện nay và sắp tới. Xem xét triển vọng nhu cầu hiện tại, khó có thể thay thế một sản lượng dầu lớn như vậy".
Trong khi đó, một quan chức của Ủy ban châu Âu cho biết EU một lần nữa kêu gọi OPEC cân nhắc khả năng tăng sản lượng dầu để giảm giá dầu hiện nay. Ngoài ra, quan chức này cũng cho biết các đại diện của EU cũng chỉ ra việc OPEC có trách nhiệm bảo đảm cân bằng trên thị trường dầu mỏ.
Liên quan đến tình hình Nga và Ukraine, theo THX, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 11/4 tuyên bố, Moscow ưu tiên cho việc tiếp tục các cuộc đàm phán với Kiev. Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với đài Rossiya 24, ông Lavrov nói thêm rằng Nga sẽ kiên nhẫn và kiên định trong quá trình đàm phán, nhưng sẽ không chấp nhận đóng “vai phụ” trong trật tự quốc tế hiện nay.
Ngày 9/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Ukraine "vẫn sẵn sàng" tiếp tục các cuộc đàm phán với Nga. Theo hãng tin AFP của Pháp, trong cuộc họp báo với Thủ tướng Áo Karl Nehammer, nhà lãnh đạo Kiev nêu rõ Ukraine luôn sẵn sàng đối thoại để tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột hiện nay.
Lần gần đây nhất các quan chức Nga và Ukraine gặp nhau trực tiếp là ngày 29/3 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Sau khoảng 4 giờ đàm phán, đoàn đàm phán Nga đã trở về Moscow tối cùng ngày, mang theo đề xuất bằng văn bản của Ukraine về một "thỏa thuận hòa bình" giữa hai bên. Kết quả này được đánh giá là bước tiến đáng kể trong tiến trình đàm phán khó khăn nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 1 tháng tại Ukraine.
Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinski đánh giá cuộc đàm phán tại Istanbul mang tính xây dựng, trong đó ông nhắc tới những bước đi để "tiến về" phía đối phương, có thể hiểu là sự nhượng bộ nhất định để quan điểm của hai bên có thể "xích lại gần nhau hơn", khiến khả năng đạt được thỏa hiệp gia tăng.
Theo trưởng đoàn đàm phán Nga, Moscow sẽ xem xét các đề xuất của Kiev và sẽ có câu trả lời. Tuy nhiên, ông nhận định việc đạt được một thỏa thuận được cả hai bên chấp nhận sẽ là một chặng đường dài.
H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)