* Úc: Tìm ra cách thức bảo quản vắc xin mà không cần để lạnh
Vắc xin ngừa COVID-19 hiện được xem là giải pháp trọng yếu để thế giới thoát khỏi đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy, việc tiêm nhắc lại các mũi vắc xin cho hàng triệu người vẫn đang khiến nhiều người có tâm lý do dự.
Do vậy, thay vì tiêm vắc xin cho từng cá nhân để kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch, các nhà khoa học đang nghiên cứu tiềm năng vắc xin có thể "tự lây lan" từ người sang người, giống cơ chế lây bệnh của virus, từ đó tạo ra kháng thể và giảm số người cần thiết phải tiêm chủng.
Một bài viết được đăng trên trang dailymail.co.uk đã đề cập đến việc các nhà nghiên cứu xem xét tiềm năng phát triển các vắc xin có thể truyền khả năng miễn dịch giữa người với người. Theo bài viết, nếu điều này thành hiện thực, có lẽ chỉ cần 5% dân số Vương quốc Anh - tương đương 3 triệu người - được tiêm phòng.
Những người còn lại sau đó sẽ "hấp thụ" được vắc xin khi chúng “lây lan” nhanh chóng trên khắp đất nước qua các giọt bắn trong không khí khi mọi người tiếp xúc gần nhau, tương tự như cơ chế lây cảm lạnh hay cúm mùa.
Quan trọng hơn nữa, điều này có thể dẫn đến khả năng miễn dịch cộng đồng trong vài tuần thay vì mất nhiều tháng để hàng triệu người được tiêm chủng và hình thành miễn dịch chống COVID-19. Khoảng 10 tổ chức nghiên cứu ở Mỹ, châu Âu và Úc đã và đang tìm hiểu khả năng “vắc xin tự lây lan” sau đại dịch COVID-19.
Hầu hết các nghiên cứu là về sự lây lan từ động vật sang động vật hoặc động vật sang người, với nghiên cứu trên người cho đến nay tập trung vào việc liệu ý tưởng này có an toàn về nguyên tắc hay không.
Nghiên cứu đang nhận được trợ cấp của các tổ chức tài trợ nổi tiếng, bao gồm cả Viện Y tế quốc gia Mỹ.
Để tạo ra một loại vắc xin có thể lây truyền miễn dịch đòi hỏi phải tìm cách xử lý virus hoặc vi khuẩn để chúng có thể dễ dàng truyền từ người này sang người khác, nhưng không gây bệnh nghiêm trọng.
Hai lựa chọn hiện đang là trọng tâm của nghiên cứu. Đầu tiên là thiết kế trong phòng thí nghiệm một dạng virus gây bệnh rất nhẹ, độc lực yếu song vẫn phải đủ khả năng lây nhiễm nhanh chóng cho các quần thể lớn để kích hoạt hệ miễn dịch cơ bản nhằm tạo ra các kháng thể chống lại sự lây nhiễm.
Lựa chọn khác là xử lý một số ADN từ mầm bệnh mới nguy hiểm bên trong một loại virus tương đối vô hại nhưng rất dễ lây lan, chẳng hạn như virus gây ra cảm lạnh thông thường.
Việc tiếp xúc với các đoạn ADN bên trong virus vô hại khi virus này lây lan trong quần thể sẽ khiến hệ miễn dịch phải đề phòng mầm bệnh thực sự, nghiêm trọng hơn mà không gây ra bất kỳ bệnh nặng nào.
Với cả hai chiến lược trên, vắc xin sẽ chỉ cần được tiêm cho các nhóm nhỏ người thuộc các vùng khác nhau của đất nước. Những người này sau đó sẽ “truyền vắc xin” cho những người trong cộng đồng địa phương.
Các nhà khoa học đã chứng minh cách tiếp cận này có thể có hiệu quả.
Năm 2000, các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha đã xử lý một loại virus gây tử vong ở thỏ bằng cách tiêm cho 70 con thỏ một loại vắc xin có thể tự lây lan và thả chúng về tự nhiên, nơi chúng nhanh chóng lây truyền cho hàng trăm con khác, qua đó ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh.
Các kỹ thuật tương tự hiện đang được thử nghiệm trên lợn ở các vùng của châu Âu để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch tả lợn châu Phi, có thể tàn phá đàn gia súc.
Hiện các nhà nghiên cứu đang xem xét việc sử dụng “vắc xin tự lây lan” ở động vật để ngăn chặn virus lây nhiễm sang người.
Một trong những dự án tiên tiến nhất, do Cơ quan Dự án nghiên cứu tiên tiến quốc phòng Mỹ tài trợ, đang tìm cách bảo vệ quân đội nước này hoạt động ở Tây Phi chống lại bệnh sốt lassa - một bệnh cấp tính do virus có nguồn gốc từ chuột.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, bao gồm cả một số người đến từ Vương quốc Anh, cũng đang nghiên cứu một loại “vắc xin tự lây lan” thử nghiệm có thể ngăn virus lây nhiễm từ chuột sang người.
Mặc dù chưa có tài liệu nghiên cứu nào liên quan đến “vắc xin tự lây lan” để sử dụng cho người, nhưng đây là điều mà các quan chức Chính phủ Anh đang nghiên cứu như một phương án khả thi để đối phó với bệnh cúm mùa.
Trong diễn biến khác, các chuyên gia thuộc cơ quan nghiên cứu khoa học quốc gia Úc mới đây đã phát triển thành công phương pháp bảo quản vắc xin mà không cần để lạnh. Trong nghiên cứu công bố ngày 22/2, nhóm chuyên gia thành viên Tổ chức Khoa học và công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO), có trụ sở tại Úc, phát hiện ra rằng việc bọc vắc xin sống giảm độc lực trong các khuôn tinh thể hữu cơ (MOFs) có thể giúp bảo quản nguyên trạng vắc xin tối đa 12 tuần ở nhiệt độ lên đến 37 độ C.
Nếu không được bảo quản trong tủ lạnh hoặc MOFs, vắc xin sẽ chỉ duy trì nguyên trạng trong vài ngày. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có ít nhất 50% lượng vắc xin sản xuất trên toàn cầu bị lãng phí vì những khó khăn trong vận chuyển và điều kiện bảo quản.
Trong thông cáo báo chí, chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm CSRIO Daniel Layton tái khẳng định việc tiêm phòng chính là một hình thức can thiệp y tế hiệu quả nhất, giúp bảo vệ mạng sống của hàng triệu người mỗi năm.
Tuy nhiên, việc chuyển vắc xin, đặc biệt là tới các nước đang phát triển, còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu hệ thống bảo quản lạnh để đảm bảo chất lượng vắc xin. Do đó, ông đánh giá nghiên cứu mới này là một bước đột phá giúp mở ra tiềm năng tiếp cận vắc xin có giá cả hợp lý và công bằng hơn trên toàn cầu.
Theo các nhà nghiên cứu của CSIRO, MOFs - loại vật liệu tinh thể có thể hòa tan - sẽ bảo vệ hiệu quả các phân tử vắc xin trước tác động của nhiệt độ. Nhóm nghiên cứu sau đó đã phát triển một giải pháp nhằm phân rã MOFs.
Theo nhà khoa học cao cấp của CSIRO, bà Cara Doherty, MOF hoạt động như một giàn giáo bao quanh ngôi nhà, khi giàn giáo được dỡ bỏ ngôi nhà vẫn ở trạng thái bình thường. Tương tự, khi MOFs phân rã thì vắc xin vẫn còn nguyên trạng. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ tập trung thử nghiệm cách làm này với những loại vắc xin được phát triển dựa trên công nghệ mRNA.
Chủ nhiệm công trình nghiên cứu Ruhani Singh cho rằng công nghệ này có giá cả phải chăng và có thể triển khai rộng. Theo chuyên gia, có hai cách phổ biến để bảo vệ vắc xin trong điều kiện nhiệt độ cao. Một là chỉnh sửa vắc xin, cách làm khá phức tạp và tốn nhiều công sức nhưng hiệu quả thấp vì đôi khi chỉ có thể bảo quản vắc xin trong chưa đầy một tuần ở điều kiện nhiệt độ cao. Hai là sử dụng các chất ổn định, nhưng cách làm này cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khó phổ biến.
Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm ra cách giúp bảo quản vắc xin bằng MOFs, một cách làm khá đơn giản, nhanh chóng và có thể thực hiện trên quy mô lớn. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục đạt những bước tiến mới và đang tìm đối tác để đưa công nghệ này ra thị trường.
H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)