Hãng tin TASS của Nga đưa tin, rạng sáng 22/2 theo giờ Hà Nội, Nga đã công nhận nền độc lập, đồng thời ký kết các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ với hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) ở miền Đông Ukraine.
Nhiều nước trên thế giới đã ngay lập tức có phản ứng trước bước đi của Nga.
Sau cuộc họp bất thường Hội đồng An ninh Nga đêm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin có bài phát biểu thông điệp gửi tới người dân trong nước.
Trong bài phát biểu dài 55 phút, nhà lãnh đạo Nga đề cập về nhiều vấn đề quan trọng. Cuối bài phát biểu, ông Putin tuyên bố đã ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine.
Tổng thống Putin yêu cầu “chấm dứt ngay lập tức hành động chiến sự” ở khu vực Donbass, nhấn mạnh rằng trong trường hợp ngược lại, “mọi trách nhiệm liên quan đến chiến sự đổ máu” có thể diễn ra đều thuộc về Kiev.
Ông Putin khẳng định Nga “đã làm tất cả để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, trong đó có việc “đấu tranh để thực hiện các thỏa thuận Minsk”, song đều vô ích.
Cũng trong bài phát biểu, nhà lãnh đạo Nga một lần nữa nêu lên vấn đề Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kết nạp Ukraine.
Theo ông Putin, Moscow có cơ sở để khẳng định việc Ukraine gia nhập NATO và sau đó là việc triển khai các cơ sở của NATO trên lãnh thổ Ukraine chỉ là “vấn đề thời gian", coi đây là “đòn tấn công chủ động” của phương Tây đối với nước Nga.
Tổng thống Nga nhấn mạnh các đề xuất về đảm bảo an ninh của Nga đưa ra hồi tháng 12/2021 đã bị bỏ qua nên Moscow có “toàn quyền áp dụng các biện pháp đáp trả để đảm bảo an ninh của mình".
Phản ứng trước bước đi của Nga, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt mới về thương mại và tài chính đối với hai vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết định công nhận độc lập.
Tuyên bố của Nhà Trắng nhấn mạnh Tổng thống Biden sẽ ký một sắc lệnh hành pháp “cấm người Mỹ thực hiện các hoạt động đầu tư, thương mại và tài chính mới đến hoặc từ hai vùng lãnh thổ này”.
Theo Nhà Trắng, sắc lệnh hành pháp này cũng sẽ cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bất kỳ cá nhân nào hoạt động trong các lĩnh vực thương mại và tài chính.
Nhà Trắng cho biết sẽ sớm công bố các biện pháp trừng phạt bổ sung liên quan đến “sự vi phạm các cam kết quốc tế của Nga hiện nay".
Các nước như Đức, Anh, Gruzia, Romania, Áo, Moldova cũng đã ngay lập tức phản đối quyết định của Nga. Theo Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock, bước đi của Nga đã làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao và xâm phạm chủ quyền của Ukraine.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đánh giá quyết định của Nga đã “xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cùng ngày bày tỏ quan ngại về quyết định của Nga, đồng thời kêu gọi giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine phù hợp với các thỏa thuận Minsk được Nghị quyết 2202 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ủng hộ.
Theo TTXVN/Vietnam+