Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18//2 tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia được ban hành vào tháng 3/2020 do đại dịch COVID-19 sẽ được gia hạn sau ngày 1/3 vì nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng do virus SARS-CoV-2 gây ra vẫn hiện hữu.
Tổng thống Biden cho biết số người tử vong vì COVID-19 tại Mỹ hiện tăng lên hơn 900.000 người, điều này cho thấy chính phủ liên bang cần "toàn lực" ứng phó với đại dịch.
Trong bức thư gửi tới Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Mỹ ngày 18/2, được Nhà Trắng công bố, ông Biden khẳng định: "Vẫn cần duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia".
Theo quy định của Mỹ, tình trạng khẩn cấp sẽ tự động chấm dứt trừ khi 90 ngày trước khi hết hạn tổng thống gửi thư cho quốc hội nêu rõ cần tiếp tục duy trì tình trạng khẩn cấp. Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì dịch bệnh COVID-19 vào tháng 3/2020.
Tổng thống Biden đưa ra ý kiến trên khi một số lãnh đạo địa phương của Mỹ đang tiến tới chấm dứt các biện pháp hạn chế khi dịch bệnh do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra trên đà giảm.
Tuần trước, lãnh đạo bang New York và Massachusetts thông báo sẽ hủy bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở 2 bang này, sau khi các bang New Jersey, California, Connecticut, Delaware và Oregon, có động thái tương tự. Đầu tuần này, giới chức y tế Mỹ cũng cho biết đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của đại dịch COVID-19 khi các ca nhiễm biến thể Omicron đang giảm.
Trong khi đó, tờ The Hill (Mỹ) ngày 18/2 đưa tin chính quyền của Tổng thống Biden cùng ngày đã đề xuất chi 5 tỉ USD cho cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên toàn cầu, trong đó có cả thúc đẩy tiêm chủng mũi tăng cường vắc xin ngừa COVID-19.
Trong gói đề xuất trên, 2,55 tỉ USD dành cho việc tiêm chủng toàn cầu cũng như bổ sung ngân sách cho việc điều trị và các biện pháp hỗ trợ khác. Tuy nhiên, con số này thấp hơn đáng kể so với con số 17 tỉ USD mà những người ủng hộ và nhiều nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ đã thúc đẩy.
Một số nghị sĩ đã bày tỏ thất vọng với chính quyền Tổng thống Biden vì không chú trọng đúng mức đến việc tiêm chủng toàn cầu, điều mà các chuyên gia cho rằng rất quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn các biến thể mới hình thành có thể đe dọa Mỹ.
Ngày 19/2, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) thông báo trong 24 giờ qua, nước này có thêm 102.211 ca mắc mới, trong đó có 102.072 lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 1.858.009.
Đây là ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới tại Hàn Quốc ở mức trên 100.000 ca trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan mạnh. Cũng trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại Hàn Quốc tăng thêm 71 ca, đưa tổng số người không qua khỏi tại nước này lên 7.354. Số ca mắc COVID-19 nặng đang trong tình trạng nguy kịch hiện đang ở mức 408, tăng 23 ca so với 1 ngày trước đó.
Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới tại Hàn Quốc đã tăng mạnh do sự lây lan của biến thể Omicron. Chỉ trong 1 tuần sau khi lần đầu tiên ghi nhận 50.000 ca hôm 10/2, số ca mắc mới theo ngày tại nước này đã tăng gần gấp đôi, vượt mốc 100.000 ca lần đầu tiên vào ngày 18/2.
Giới chức y tế Hàn Quốc dự đoán làn sóng lây nhiễm Omicron có thể bắt đầu đạt đỉnh trong khoảng từ cuối tháng này và đầu tháng 3, với số ca mắc mới trong 1 ngày có thể lên tới 130.000-180.000 ca. Bất chấp làn sóng dịch gia tăng, ngày 18/2, Chính phủ Hàn Quốc quyết định tăng thêm thời gian hoạt động của các quán cà phê và nhà hàng, theo đó, trong 3 tuần tới, các cửa hàng được phép mở cửa đến 22h00' thay vì 21h00 như trước. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ cho rằng các biện pháp phòng, chống COVID-19 khiến doanh thu của họ giảm mạnh. Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn quyết định chỉ cho phép tối đa 6 người được gặp gỡ riêng tư.
Tính đến ngày 19/2, khoảng 30,31 triệu người dân Hàn Quốc, chiếm 59,1% trong tổng số 52 triệu dân nước này, đã tiêm mũi tăng cường. Số người tiêm đủ liều cơ bản là 44,29 triệu người, chiếm 86,3%.
Cùng ngày, đài TVB của Hong Kong (Trung Quốc) đưa tin số ca mắc mới tại đặc khu hành chính này trong 24 giờ qua có thể lên tới ít nhất 7.000 ca - mức cao nhất từ trước đến nay. Trước đó 1 ngày, Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cho rằng có thể mất tới 3 tháng để ổn định tình trạng lây nhiễm - vốn đang đẩy các cơ sở y tế rơi vào tình trạng quá tải và khiến hòn đảo này phải hoãn cuộc bầu cử trưởng đặc khu khóa VI đến ngày 8/5 tới. Theo bà, chính quyền đặc khu đang lên kế hoạch xét nghiệm đại trà bắt buộc cho toàn bộ người dân, song vẫn loại trừ khả năng phong tỏa.
Hiện các cơ sở cách ly tại Hong Kong đã sử dụng hết công suất, trong khi tỉ lệ giường bệnh trống tại các bệnh viện hiện chỉ còn chưa đến 5%. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Hong Kong ghi nhận hơn 40.000 ca mắc và gần 300 trường hợp tử vong, thấp hơn so với nhiều thành phố lớn khác. Tuy nhiên, một số chuyên gia dự báo số ca mắc mới trong ngày ở đặc khu này có thể lên tới 30.000 ca vào cuối tháng 3 tới.
Cũng trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 80 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc lên 107.512 ca. Số ca tử vong ở Trung Quốc hiện là 4.636 ca.
Ngày 19/2, nhóm chuyên gia của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã công bố dữ liệu về hiệu quả và các tác dụng phụ đối với người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ ba cùng và khác chủng loại với hai mũi tiêm trước đó.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, nghiên cứu được thực hiện đối với 2.826 người tiêm mũi thứ ba là vắc xin của hãng Pfizer/Biontech và 773 người tiêm mũi thứ ba của hãng Moderna sau khi tất cả đều tiêm mũi thứ hai của hãng Pfizer.
Về hiệu quả, theo dõi trong vòng 1 tháng sau khi tiêm mũi thứ ba, mức tăng kháng thể đối với người tiêm vắc xin của hãng Pfizer/Biontech là 54,1%, trong khi tỉ lệ này là 67,9% đối với người tiêm vắc xin của hãng Moderna. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy hiệu quả đối với biến thể Omircon của virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm mũi thứ ba cũng cao hơn so với người chỉ tiêm hai mũi vắc xin.
Về tác dụng phụ, đối với người tiêm mũi thứ ba vắc xin của hãng Pfizer/Biontech có 21,4% sốt trên 38 độ C, 69,1% đau nhức toàn thân và 55% có biểu hiện đau đầu. Trong khi chỉ số tương tự đối với người tiêm mũi thứ ba vắc xin của hãng Moderna lần lượt là 49,2%, 78% và 69,5%. Các biểu hiện này rõ nhất chủ yếu vào ngày thứ hai sau khi tiêm chủng và giảm dần vào các ngày sau đó. Ngoài ra, có 2 trường hợp nghi gây ra tác dụng phụ về viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin của hãng Pfizer/Biontech nhưng không nghiêm trọng, trong khi không ghi nhận trường hợp tương tự nào ở người tiêm vắc xin của hãng Moderna.
Theo Giáo sư Suminobu Ito, giảng viên Đại học Y Juntendo, thành viên nhóm nghiên cứu, dường như mức độ sinh kháng thể đang tỉ lệ nghịch với mức độ gây tác dụng phụ khi tiêm vắc xin mũi thứ ba cùng và khác loại. Tức là tiêm cùng loại vắc xin sinh kháng thể ít hơn nhưng cũng ít nguy cơ tác dụng phụ hơn, trong khi tiêm khác loại vắc xin sinh nhiều kháng thể hơn nhưng nguy cơ tác dụng phụ lại cao hơn. Do đó, tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân, người dân có thể lựa chọn các loại vắc xin phù hợp để tiêm mũi thứ ba phòng ngừa COVID-19.
Theo số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến hết ngày 18/2, đã có 169.146 người ở nước này đã tiêm liều vắc xin thứ ba, tương đương tỉ lệ 12,6% dân số. Trong đó, 71,9% lựa chọn vắc xin của hãng Pfizer/Biontech và 28,1% tiêm vắc xin của hãng Moderna.
H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)