Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 19/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 421.944.104 ca mắc COVID-19 và 5.891.940 ca tử vong. Số ca hồi phục là 346.492.418 ca.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.924.291 ca mắc COVID-19 và 10.259 ca tử vong. Mỹ, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên thế giới, với 80.024.531 ca mắc và 958.300 ca tử vong, ghi nhận số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới, với 2.070 ca. Trong khi đó, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, với 206.037 ca.
Tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp tại nhiều nước châu Á. Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới trên 100.000 ca trong ngày thứ hai liên tiếp do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này có thêm 102.211 ca mắc mới, trong đó có 102.072 lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 1.858.009.
Số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm 71 ca. Tính đến nay, tổng số ca tử vong tại Hàn Quốc là 7.354 ca và tỉ lệ tử vong là 0,4%.
Trong bối cảnh số ca mắc mới hằng ngày đang tăng chóng mặt, nhà chức trách Hàn Quốc bắt đầu tiến hành giám sát việc mua bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 khi nguồn cung trong nước hạn chế. Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc cho biết cơ quan y tế sẽ kiểm tra toàn bộ 75.565 nhà thuốc cùng các cửa hàng tiện lợi CU và GS25, là những nơi có bán các bộ sinh phẩm xét nghiệm để đảm bảo tuân thủ quy định mới về giới hạn số lượng bán lẻ mặt hàng này.
Ngoài ra, cơ quan y tế cũng quy định giá trần bán lẻ của một bộ sinh phẩm xét nghiệm là 6.000 won (khoảng 5 USD) để hạn chế việc trục lợi từ nâng giá sản phẩm. Theo quy định của chính phủ Hàn Quốc, từ ngày 20/2, mỗi cá nhân chỉ được mua tối đa 5 bộ sinh phẩm xét nghiệm tại một điểm bán lẻ và việc bán hàng online hoàn toàn bị cấm.
Quy định này sẽ có hiệu lực trong 3 tuần, trong khi quy định về giá trần có hiệu lực đến ngày 5/3 nhưng có thể được thay đổi tùy theo tình hình thực tế.
Trong bối cảnh Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ công bố kế hoạch "sống chung an toàn với COVID-19" ở vùng England vào ngày 21/2 tới, các nhà khoa học Anh cảnh báo nguy cơ dịch bệnh COVID-19 sẽ gia tăng trở lại nếu như chấm dứt đột ngột các quy định về làm xét nghiệm COVID-19 và cách ly.
Cảnh báo này cũng phù hợp với hướng dẫn cập nhật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó nói rõ việc gián đoạn hay rút ngắn các biện pháp xét nghiệm và cách ly sẽ làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm trở lại.
Các chuyên gia trong Nhóm khoa học lập mô hình đại dịch cúm của chính phủ Anh (SPI-M-O) dẫn phân tích của Đại học Warwick chỉ ra rằng các biện pháp phòng dịch COVID-19 (bao gồm xét nghiệm, tự cách ly, đeo khẩu trang, làm việc tại nhà và thay đổi hành vi của người dân) đã giúp làm giảm mức độ lây nhiễm từ 20-45%. Tuy nhiên, nếu các biện pháp này bị rút lại, tỉ lệ lây nhiễm có khả năng tăng lên từ 25-80%.
Chưa kể, các yếu tố khác như khả năng miễn dịch suy giảm và sự xuất hiện của các biến thể mới cũng sẽ góp phần đẩy nhanh lây lan dịch bệnh. Hiện biến thể BA.2, dòng phụ của biến thể Omicron, đang tăng mạnh ở Anh so với các biến thể khác.
Cùng chung quan điểm này, Tiến sĩ Chaand Nagpaul - Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Y tế Anh (BMA) - cũng bày tỏ lo ngại về những thay đổi trong quy định xét nghiệm và cách ly. Dẫn số liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, Tiến sĩ Nagpaul cho biết tỉ lệ mắc COVID-19 tại Anh trong tuần trước là 1/20 người. Số người nghỉ việc do COVID-19 cũng đang ở mức rất cao.
Vì thế, việc sống chung với COVID-19 không có nghĩa sẽ bỏ qua tác hại của bệnh dịch với nhiều người và dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ cần thiết đối với những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm cả những người mắc các triệu chứng COVID-19 kéo dài.
Tại Czech, phóng viên TTXVN dẫn dữ liệu của Bộ Y tế nước này cho biết dịch COVID-19 đang lây lan chậm lại ở nước này với số ca mắc mới giảm tới 30% so với tuần trước. Cụ thể trong ngày 17/2, Czech chỉ ghi nhận 15.517 ca nhiễm mới, giảm 1/3 so với tuần trước. Số ca nghi ngờ nhiễm biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 cũng giảm khoảng 25%, xuống còn 2.910 trường hợp. Tính trong 7 ngày qua, tỉ lệ ca mắc trên 100.000 dân ở Czech chỉ là 1.126 người, mức thấp nhất kể từ ngày 19/1.
Hiện dịch bệnh cao nhất đang diễn ra ở các khu vực Nam Morava và Morava-Silesia, với tỉ lệ mắc mới trên 100.000 dân lần lượt là 1.332 và 1.277 trường hợp. Trong khi đó, Karlovy Vary và Liberec có tỉ lệ này thấp nhấp, lần lượt là 830 và 976 ca mắc/100.000 dân. Việc hệ số lây nhiễm R chỉ duy trì ở mức 0,73-0,75 trong 2 tuần qua cho thấy dịch bệnh ở Czech đang diễn biến chậm lại. Hiện cả nước này chỉ có 3.720 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, trong đó 260 người trong tình trạng nặng.
Kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Czech từ tháng 3/2020 đến nay, nước này đã có gần 3,5 triệu người mắc bệnh COVID-19 với 38.106 người trong số này không qua khỏi. Số người tử vong vì COVID-19 từ đầu năm đến nay là 1.839 người.
Chính phủ Czech xác định tiêm chủng vẫn là biện pháp chủ yếu để chống COVID-19 và khuyến cáo người dân nên tiêm phòng. Đến nay Czech đã hoàn thành 17,3 triệu liều vắc xin, trong đó gần 4 triệu liều là mũi tiêm nhắc lại. Gần 64% trong tổng dân số Czech đã hoàn thành việc tiêm chủng. Bộ Y tế Czech đã ký hợp đồng mua thêm hàng trăm nghìn liều vắc xin và sẽ tiếp tục tăng thêm các đơn đặt hàng.
Tại Mỹ, Cơ quan quản lý y tế Mỹ vừa quyết định hoãn phê duyệt vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer dành cho trẻ dưới 5 tuổi. Phóng viên TTXVN tại New York dẫn nguồn tin độc quyền ngày 18/2 của tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay cơ quan quản lý y tế Mỹ vừa quyết định hoãn phê duyệt vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer dành cho trẻ dưới 5 tuổi bởi kết quả cho thấy hai liều đầu tiên đã tiêm cho trẻ không mang lại hiệu quả đối với chủng Omicron. Dữ liệu cho đến nay cho thấy vắc xin Pfizer dành cho trẻ em đạt hiệu quả ngừa chủng Delta nhưng nhiều trẻ đã tiêm chủng vẫn mắc COVID-19 sau khi chủng Omicron xuất hiện.
Cơ quan quản lý Thực phẩm, Dược phẩm Mỹ (FDA) và hãng Pfizer đã nhất trí sẽ chờ thêm dữ liệu nghiên cứu để có cơ sở đánh giá kỹ hơn tính hiệu quả của vắc xin. FDA cũng sẽ kiểm tra xem vắc xin có tạo được mức độ miễn dịch cho trẻ em ngang bằng như mức đối với người lớn hay không. FDA hy vọng sẽ đưa ra được quyết định về vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi trong thời gian mùa xuân này còn phía hãng Pfizer cũng cho biết kết quả nghiên cứu của họ dự kiến sẽ hoàn thiện vào đầu tháng Tư năm nay.
Quyết định tạm hoãn duyệt vắc xin của FDA được đưa ra chỉ vài ngày trước ngày FDA dự kiến sẽ phê duyệt mũi thứ 3 dành cho trẻ em dưới 5 tuổi đã khiến nhiều phụ huynh đã tiêm 2 mũi vắc xin cho con mình bày tỏ bức xúc bởi cho rằng đáng lẽ FDA không nên cấp phép ngay từ đầu nếu vắc xin chưa tạo được kháng thể đủ mạnh chống các chủng COVID-19. Trước đó, chính FDA đã hối thúc Pfizer nộp đơn xin phê duyệt vắc xin cho trẻ ở độ tuổi từ 6 tháng đến 5 tuổi mặc dù hãng dược này đã định chờ thử nghiệm thêm cho hoàn thiện hơn.
Một số chuyên gia y tế thừa nhận chưa rõ vì sao vắc xin lại không đạt hiệu quả mong muốn ở trẻ em nhưng một số khác cũng đưa ra những giả thuyết rằng có thể hệ thống miễn dịch của trẻ em chưa phát triển hoàn thiện hoặc lượng vắc xin tiêm cho trẻ em quá thấp. Mỗi liều vắc xin Pfizer cho trẻ dưới 5 tuổi chỉ có 3 micrograms, tương đương 1/10 liều dành cho người lớn. Pfizer cho biết trước đó họ đã thử nghiệm liều 10 micrograms cho trẻ em nhưng thấy có quá nhiều phản ứng phụ như sốt cao, ớn lạnh cho nên đã giảm xuống 3 micrograms để đảm bảo an toàn.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)