Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tối 10/2, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định đưa tỉnh Kochi ở phía Tây nước này vào danh sách áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm từ ngày 12/2, nâng tổng số địa phương nằm trong danh sách này lên 36 tỉnh, thành, đồng thời gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 13 tỉnh, thành tới ngày 6/3.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh chưa có dấu hiệu cho thấy dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ sớm lắng dịu ở Nhật Bản sau hơn 1 tháng áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Ngày 9/2, Nhật Bản vẫn ghi nhận thêm 97.833 ca nhiễm và 152 ca tử vong vì dịch COVID-19. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca nhiễm mới ở nước này ở trên ngưỡng 90.000 ca/ngày sau khi chạm đỉnh 104.345 ca vào ngày 3/2.
Đáng chú ý, có tới 7 trong số 47 tỉnh, thành ở nước này vẫn ghi nhận số ca nhiễm mới/ngày cao kỷ lục, gồm Kyoto, Nara, Miyagi, Nagano, Aomori, Toyama và Kochi.
Như vậy, các biện pháp phòng dịch trọng điểm sẽ có hiệu lực tới ngày 6/3 ở 14 tỉnh, thành, trong đó ngoài Kochi mới được đưa vào danh sách khu vực phòng dịch trọng điểm, 13 địa phương khác gồm Tokyo, Saitama, Chiba, Kanagawa, Gunma, Niigata, Gifu, Aichi, Mie, Kagawa, Nagasaki, Kumamoto và Miyazaki.
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản chưa đưa ra quyết định về việc có gia hạn các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 22 tỉnh còn lại nằm trong danh sách trên hay không.
Phát biểu tại cuộc họp của Nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ về ứng phó với dịch COVID-19 ngày 10/2, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Daishiro Yamagiwa cho biết số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng cho dù đà tăng đang chậm dần.
Theo ông, trong bối cảnh số bệnh nhân COVID-19 nặng có thể sẽ tăng, điều cần làm là giảm bớt gánh nặng lên hệ thống y tế.
Ông cũng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản là hạn chế tối đa việc tạm ngừng các hoạt động kinh tế - xã hội.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, ông Shigeru Omi, Trưởng nhóm chuyên gia cố vấn, nhấn mạnh dịch bệnh vẫn đang lây lan chủ yếu ở người già và trẻ em từ 10 tuổi trở xuống, trong đó có một số mắc các triệu chứng nặng, nhưng có xu hướng đi ngang hoặc giảm trong các nhóm tuổi 20-29 và 30-39. Do vậy, cần phải sửa đổi các biện pháp ứng phó cho phù hợp.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế Nhật Bản cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 6 ở nước này vẫn chưa đạt đỉnh. Đáng chú ý, số bệnh nhân COVID-19 nặng và số ca tử vong vì đại dịch vẫn đang tăng.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 9/2, ông Takaji Wakita, một thành viên trong nhóm chuyên gia cố vấn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), nhấn mạnh cần có thêm thời gian để xem liệu số ca nhiễm mới ở Nhật Bản đã bắt đầu xu hướng giảm hay chưa.
Ông Wakita cũng cảnh báo BA.2, một phiên bản mới của biến thể Omicron được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn, “vẫn chưa chiếm ưu thế” ở Nhật Bản cho dù các chuyên gia y tế lo ngại rằng nếu BA.2 lây lan sẽ khiến số ca nhiễm mới tăng cao hơn nữa.
Theo TTXVN/Vietnam+