* Người có hệ miễn dịch lai đề kháng hiệu quả biến thể Omicron
Trong nghiên cứu mới công bố trên Nature Communications, các nhà khoa học của Đại học Missouri (Mỹ) đã tìm thấy những đột biến "bí ẩn" của virus SARS-CoV-2 trong nước thải ở TP New York. Các đột biến này chưa bao giờ được ghi nhận lây lan trên người mắc COVID-19.
Nghiên cứu mang tên "Truy vết các dòng SARS-CoV-2 bí ẩn được phát hiện trong nước thải ở New York", được thực hiện với sự tài trợ của Sở môi trường TP New York, quỹ thiện nguyện Linda Markeloff và Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ.
Giáo sư Marc Johnson về sinh vật học phân tử và miễn dịch tại Đại học Missouri, cho biết kết quả phân tích cho thấy có một số đột biến lạ của virus trong nước thải ở St. Louis (bang Missouri) khiến ông quan tâm. Và ông đã muốn tìm hiểu xem liệu có các đột biến của virus này trong nước thải ở những nơi khác không.
Vì vậy, ông đã có ý tưởng tìm hiểu thông tin ở bên ngoài bang Missouri. Nước thải thường được đổ về một nhà máy xử lý nước thải. TP Columbia ở Missouri có một nhà máy như thế và New York có 14 nhà máy. Nghiên cứu đã cho thấy "một chùm đột biến chưa từng thấy" trong nước thải ở New York. Hiếm khi tìm thấy trong nước thải một biến thể của virus chưa từng lây lan ở người, nhưng các biến thể như vậy đã được tìm thấy ở nước thải của New York.
Ông Johnson nghi chuột trong ống cống tại New York là nguồn tạo ra những biến thể "bí hiểm" này, nhưng nghiên cứu nói trên chưa đủ bằng chứng để khẳng định giả thiết này. Ông Johnson và các cộng sự đang phối hợp để tìm ra nguồn gốc của các biến thể vừa tìm thấy.
* Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ, người có hệ miễn dịch lai có khả năng ngăn chặn hiệu quả biến thể Omicron.
Người có hệ miễn dịch lai là người được tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 sau khi từng mắc và khỏi bệnh. Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Padmanabha Shenoy, chuyên gia về khớp và là Giám đốc y tế Bệnh viện CARE ở Kochi thuộc bang Kerala của Ấn Độ, khẳng định người có hệ miễn dịch lai có khả năng ngăn chặn hiệu quả biến thể Omicron còn hơn cả người đã tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19.
Theo ông, đây chính xác là nguyên nhân giúp Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong giảm mạnh trong làn sóng dịch thứ 3. Tiến sĩ Shenoy cho biết trong vòng 1 năm rưỡi, nhóm nghiên cứu đã khảo sát khoảng 2.000 bệnh nhân ở Kochi, được chia làm 3 nhóm, gồm nhóm đã tiêm chủng vắc xin, nhóm mắc bệnh và nhóm được tiêm chủng sau khi khỏi COVID-19.
Kết quả cho thấy người được tiêm vắc xin sau khi khỏi COVID-19 phát triển hệ miễn dịch lai có khả năng kháng virus hữu hiệu, với phản ứng miễn dịch mạnh gấp 30 lần so với hiệu quả của việc tiêm 2 mũi vắc xin.
Cụ thể, người được tiêm 1 mũi vắc xin duy nhất sau khi khỏi bệnh sẽ có hiệu giá kháng thể ở mức 10.000-12.000, trong khi con số này ở người được tiêm 2 mũi và không mắc bệnh chỉ khoảng 4.000.
Tiến sĩ Shenoy đã quyết định mở rộng nghiên cứu xem liệu hệ miễn dịch lai có khả năng trung hòa biến thể Omicron hay không.
Nhóm đối tượng được được lựa chọn gồm người được tiêm 1 mũi Covishield duy nhất sau khi khỏi bệnh và nhóm được tiêm 2 mũi Covishield hoặc Covaxin nhưng chưa từng mắc bệnh.
Kết quả cho thấy 65% nhóm có hệ miễn dịch lai có khả năng trung hòa biến thể Omicron trong khi không người nào ở nhóm còn lại có khả năng này. Theo tiến sĩ Shenoy, dữ liệu hiện tại của nghiên cứu được thực hiện với vắc xin Covishield.
Trong thời gian tới, ông sẽ tiến hành nghiên cứu tương tự với vắc xin Covaxin, cũng như với nhóm đã được tiêm chủng đủ 2 mũi sau khi khỏi bệnh để xem liệu hệ miễn dịch có được củng cố hay không. Covishield và Covaxin là 2 loại vắc xin ngừa COVID-19 do Ấn Độ sản xuất.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)