Ngày 8/2, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cảnh báo đại dịch COVID-19 sẽ không chấm dứt với biến thể Omicron và trong năm nay, nước này phải chuẩn bị ứng phó với nhiều biến thể khác của virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Ardern đưa ra lời cảnh báo trên trong bài phát biểu đầu tiên trong năm 2022 trước các nghị sĩ trong bối cảnh hàng trăm người biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội ở thủ đô Wellington đòi chấm dứt các biện pháp hạn chế và quy định tiêm vắc xin bắt buộc.
Nhà lãnh đạo New Zeland cho biết giới chuyên gia nhận định biến thể Omicron sẽ không phải là biến thể cuối cùng mà New Zealand phải ứng phó trong năm nay. Do vậy, bà nêu rõ Chính phủ New Zealand sẽ cần phải có sự chuẩn bị ứng phó với các biến thể mới.
Chính phủ New Zealand đã áp đặt một số biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất trong hai năm qua nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Các biện pháp này đã giúp tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do COVID-19 tại New Zealand ở mức thấp. Đến nay, nước này mới chỉ ghi nhận khoảng 18.000 ca mắc và 53 ca tử vong do COVID-19.
Hiện số ca nhiễm mới biến thể Omicron đang tăng mạnh sau khi một số biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng gần đây. Thủ tướng Ardern dự báo số ca nhiễm biến thể Omicron có thể lên tới đỉnh điểm vào tháng 3 tới, từ 10.000-30.000 ca/ngày. New Zealand ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất là vào ngày 5/2 với 243 ca.
Trong diễn biến khác, theo kết quả khảo sát mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 7/2, hầu hết trong tổng số 194 quốc gia thành viên tổ chức này đều ghi nhận tình trạng gián đoạn các dịch vụ y tế cơ bản, trong đó có chương trình tiêm chủng và điều trị các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành.
Khảo sát về tác động của đại dịch COVID-19 được WHO thực hiện trong thời gian từ tháng 11-12/2021. Kết quả cho thấy có đến 92% trong số 129 quốc gia thành viên WHO được khảo sát ghi nhận tình trạng gián đoạn các dịch vụ y tế cơ bản như tiêm phòng hay điều trị HIV/AIDS trong giai đoạn trên.
Các dịch vụ y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng và không có sự cải thiện đáng kể so với kết quả cuộc khảo sát thực hiện hồi đầu năm 2021. Cụ thể, dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp bị gián đoạn nghiêm trọng hơn khi có tỉ lệ quốc gia báo cáo tình trạng gián đoạn trong cung cấp những dịch vụ này tăng lên 36%, cao hơn so với tỉ lệ 29% ghi nhận vào đầu năm 2021 và 21% trong cuộc khảo sát đầu tiên được thực hiện năm 2020.
Các dịch vụ y tế không thực sự khẩn cấp như thay khớp háng và đầu gối đã bị ảnh hưởng ở 59% số quốc gia tham gia khảo sát và khoảng một nửa trong số đó không thể đảm bảo dịch vụ chăm sóc giảm đau triệu chứng hoặc phục hồi chức năng đầy đủ.
WHO cho rằng ngày càng nhiều nước ghi nhận tình trạng gián đoạn các dịch vụ y tế là do các vấn đề đã tồn tại từ trước của hệ thống y tế cũng như nhu cầu sử dụng các dịch vụ này giảm.
Thời điểm thực hiện cuộc khảo sát trùng với thời điểm số ca nhiễm COVID-19 gia tăng ở nhiều quốc gia do khả năng lây lan nhanh của biến thể Omicron vào cuối năm 2021, gây thêm áp lực cho các bệnh viện.
WHO nhấn mạnh kết quả cuộc khảo sát này cho thấy thế giới cần hành động khẩn cấp để giải quyết những thách thức lớn của hệ thống y tế, phục hồi các dịch vụ và giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)