Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, kể từ ngày 7/2 Israel đã bãi bỏ quy định xuất trình “Thẻ Xanh”, tức chứng nhận tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đầy đủ, tại hầu hết các tụ điểm công cộng như nhà hàng, rạp hát, phòng tập thể thao, khách sạn..., chỉ duy trì quy định này đối với vũ trường và các sự kiện tập trung đông người.
Người được cấp “Thẻ Xanh” là những người đã nhiễm COVID-19 hoặc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin trong vòng 4 tháng qua; hoặc những người đã tiêm mũi 3 hoặc mũi 4 không giới hạn về thời gian.
Cùng với quy định “Thẻ Xanh", một số quy định khác cũng được dỡ bỏ kể từ ngày 7/2, như giới hạn số người tham gia sự kiện đông người hoặc quy định giãn cách tối thiểu trong các trung tâm thương mại, nhà hàng, văn phòng, trụ sở doanh nghiệp.
Bộ Y tế Israel cho biết việc nới lỏng quy định là do trên thực tế “Thẻ Xanh” đã không chứng minh được hiệu quả trong làn sóng dịch COVID-19 do biến thể Omicron gây ra.
Trong những ngày qua số bệnh nhân mắc mới COVID-19 tại Israel tiếp tục giảm nhanh, nhưng các ca bệnh nặng vẫn tiếp tục tăng lên. Thống kê trong ngày 6/2 cho thấy tại quốc gia Trung Đông này có tổng cộng 1.263 ca nặng, mức cao nhất từ trước tới nay.
Bộ Y tế cho biết các ca nặng tập trung nhiều ở những người chưa tiêm phòng. Ví dụ, số bệnh nhân nặng trên 60 tuổi và chưa được tiêm phòng tính theo tỉ lệ dân số đang ở mức 415,6 ca/100.000 dân; so với 35,9 ca trong cùng nhóm tuổi nhưng đã được tiêm phòng đầy đủ.
Trong diễn biến khác, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Israel đã “đặc biệt xuất sắc” khi vượt qua đại dịch COVID-19 với một chiến dịch tiêm phòng nhanh chóng, hiệu quả, giúp cho nền kinh tế hồi phục nhanh chóng.
Báo cáo do IMF công bố ngày 6/2 nhận định: “Chiến dịch tiêm vắc xin dẫn đầu thế giới của Israel đã giúp củng cố lòng tin và giảm thiểu tác động của dịch bệnh mỗi khi xuất hiện các biến chủng virus mới".
Chính phủ nước này cũng tung ra các chương trình hỗ trợ tài chính “nhanh chóng và dồi dào” cho các doanh nghiệp và người dân; đồng thời ngân hàng trung ương triển khai các chính sách tiền tệ nới lỏng có tính toán nhằm “tăng cường thanh khoản và duy trì dòng chảy tín dụng".
Theo IMF, sau khi suy giảm nhẹ trong năm 2020, sang năm 2021 kinh tế Israel đã hồi phục mạnh mẽ với mức tăng GDP thực tế đạt 6,5%, vượt thời điểm trước dịch COVID-19. Đây là mức tăng cao hơn so với các nền kinh tế trong nhóm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một phần nhờ sức mạnh vượt trội của lĩnh vực công nghệ và tiêu dùng tư nhân tăng nhanh.
Trong năm 2022, kinh tế Israel được dự báo tiếp tục hồi phục vững chắc “nhờ được hỗ trợ bởi tiêu dùng, đầu tư tư nhân và xuất khẩu ròng”. Tuy nhiên, kinh tế Israel cũng đang đối mặt với một số thách thức về trung và dài hạn về nguồn lực lao động, bao gồm tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ; một bộ phận lớn người dân không muốn tham gia lực lượng lao động; và năng suất lao động thấp trong các ngành nghề phi công nghệ (ước tính thấp hơn 35% so với các nước OECD).
Ngoài ra, giá nhà đất và giá cả sinh hoạt tăng cao đang gây sức ép, buộc các nhà điều hành chính sách phải đưa ra các giải pháp điều chỉnh về cơ cấu nhằm tăng nguồn cung nhà ở và giảm chi phí sinh hoạt. Một trong các biện pháp có thể áp dụng là giảm bớt các rào cản thương mại nhằm khuyến khích phân bổ hợp lý các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư và sáng tạo, cải thiện môi trường cạnh tranh. IMF cho rằng tăng cường chi tiêu cho phát triển cơ sở hạ tầng giao thông cũng là một giải pháp vừa giúp khơi thông dòng chảy cho nền kinh tế vừa khuyến khích tạo thêm việc làm cho người dân.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Ý từ ngày 7/2 đã bắt đầu thực thi các quy định phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mới trong trường học, đảm bảo rằng nhiều học sinh được đến trường hơn, đồng thời tiến thêm một bước tới sự trở lại trạng thái bình thường sau khi số ca nhiễm mới có xu hướng giảm dần.
Giờ đây, các lớp học sẽ chỉ chuyển sang hình thức học trực tuyến nếu có 5 học sinh bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và ngay cả trong trường hợp một lớp có 5 bệnh nhân COVID-19, những học sinh trên 12 tuổi đã tiêm liều vắc xin tăng cường và không bị nhiễm bệnh vẫn có thể đến trường. Giới chuyên môn ước tính rằng các quy định mới sẽ cho phép 600.000 học sinh được trở lại trường học từ ngày 7/2.
Chính phủ Ý cũng đã loại bỏ kỳ hạn 6 tháng đối với “siêu thẻ xanh” - tài liệu chứng nhận những người đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh - đối với những người đã tiêm mũi tăng cường. Chính phủ Ý cũng giảm một nửa thời gian mà những người không tiêm vắc xin phải cách ly sau khi tiếp xúc gần với một bệnh nhân COVID-19 xuống còn 5 ngày.
Cũng trong ngày 7/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Ý Andrea Costa tuyên bố kể từ ngày 11/2 tới, quốc gia châu Âu này sẽ dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở các khu vực ngoài trời trên toàn quốc. Theo Chính phủ Ý, nước này đang bước vào một “giai đoạn mới” của đại dịch COVID-19, khi tỉ lệ tiêm chủng tăng và số ca mắc mới giảm dần.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza tuyên bố Ý có 91% dân số trên 12 tuổi đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa COVID-19, 88% đã tiêm đủ 2 liều và gần 35 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường, “kết quả này cho phép chúng tôi mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19”.
Số liệu mới nhất cho thấy Ý đã lên đến “đỉnh điểm” của làn sóng dịch bệnh vào cuối tháng 1. Số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày tiếp tục giảm dần, với 41.247 ca được ghi nhận trong ngày 7/2, thấp hơn so với 77.029 ca trong ngày 6/2 và 93.157 ca trong ngày 5/2.
Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét phương án ứng phó với dịch COVID-19 giống như ứng phó với cúm mùa nhằm đảm bảo hệ thống y tế có thể xử lý ngay cả khi số ca mắc tăng. Điều này cho thấy Hàn Quốc có ý định dần chuyển đổi sang hệ thống phòng dịch thông thường.
Trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron đang tăng vọt lên trên 30.000 ca/ngày, Hàn Quốc đã quyết định dừng công thức “3T” áp dụng ban đầu (xét nghiệm, truy tìm và điều trị) sang áp dụng một hệ thống quản lý kiểm dịch và truy vết tiếp xúc đơn giản hơn nhiều.
Ủy ban đối sách phòng dịch trung ương thuộc Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh của Hàn Quốc (KDCA) ngày 7/2 đã công bố một loạt biện pháp mới về phòng dịch và quản lý sức khỏe cộng đồng để ứng phó với tình hình hiện tại.
Theo KDCA, số ca bệnh nặng và số ca tử vong do biến thể Omicron gây ra thấp hơn nhiều so với biến thể Delta. Phần lớn các ca nhiễm mới biến thể Omicron không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ. KDCA cho biết hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Hàn Quốc hiện nay tập trung điều trị như nhau đối với tất cả các ca bệnh, do vậy việc điều trị sẽ thiếu hiệu quả vì không thể tập trung cho nhóm có nguy cơ cao.
Theo phương án mới của KDCA, bệnh nhân sẽ được chia thành 2 nhóm: nhóm gồm những người từ 50-60 tuổi trở lên có các bệnh lý nền và nhóm bao gồm toàn bộ số bệnh nhân còn lại. Các cơ sở y tế sẽ chỉ tập trung vào điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ cao chuyển bệnh nặng nhằm giảm số ca tử vong. Các bệnh nhân COVID-19 khác sẽ điều trị tại nhà.
Số liệu thống kê cho thấy số ca mắc mới ghi nhận theo ngày ở Hàn Quốc hiện đã tăng gấp khoảng 5 lần, song số ca bệnh nặng chỉ bằng 25% so với số ca bệnh nặng kỷ lục ghi nhận ngày 29/12/2021. Số ca bệnh nặng duy trì ở mức khoảng 200 ca trong một tuần trở lại đây.
Công suất giường bệnh viện dành cho bệnh nhân COVID-19 thể nặng là khoảng 80% vào tháng 12/2021 và hiện giảm xuống còn khoảng 20%. KDCA cho biết nếu xu hướng này tiếp tục ổn định, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét nới lỏng biện pháp phòng dịch và tái khởi động lộ trình khôi phục đời sống thường nhật, khi đó, dịch COVID-19 sẽ được ứng phó tương tự như đối với bệnh cúm mùa.
KDCA cũng sẽ thay đổi phương thức điều tra dịch tễ theo hướng bệnh nhân tự báo cáo, tức là tự ghi ghép lịch trình di chuyển và đối tượng tiếp xúc gần. Tính đến ngày 7/2, Hàn Quốc có tổng cộng 146.445 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại nhà.
Nhằm đẩy mạnh chương trình tiêm chủng và khuyến khích trẻ em tham gia chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, các trung tâm tiêm chủng tại Philippines đã triển khai chương trình hấp dẫn trẻ em như chương trình biểu diễn có sự tham gia của những nhân vật siêu anh hùng mà hầu hết trẻ em đều yêu thích như Ironman, Captain America,...
Tại thủ đô Manila, trẻ em trong độ tuổi từ 5-11 tuổi sau khi tiêm chủng sẽ được các nghệ sĩ tặng những quả bóng tạo hình thành những chiếc gươm hay được chụp ảnh cùng những nhân vật siêu anh hùng giả trang.
Đến nay, Philippines đã tiêm chủng cho 50% trong 110 triệu dân số nước này, tuy nhiên nhiều khu vực ở vùng nông thôn vẫn chưa thể đạt tỉ lệ tiêm chủng trên.
Thực tế này gây khó khăn phần nào cho nỗ lực phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh chóng. Cũng giống như nhiều nước khác, trẻ em tại Philippines không được đến trường trong nhiều tháng qua do lo ngại dịch bệnh COVID-19.
Hiện, Philippines đang tìm cách tiêm chủng cho 15 triệu trẻ em ở nước này, nhưng tư tưởng bài vắc xin của nhiều người ngay thời kỳ đầu đại dịch bùng phát đang gây khó khăn cho chương trình tiêm chủng vắc xin của nước này.
Ngoài các chương trình khuyến khích trên, giới chức Philippines còn tiến hành tiêm chủng ngay tại vườn bách thú để thu hút trẻ em tham gia tiêm chủng. Kể từ đầu dịch COVID-19, Philippines đến nay ghi nhận 3,6 triệu ca nhiễm, trong đó có 54.000 ca tử vong.
Nước này đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4 trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tiếp lập đỉnh trong tháng này do người dân di chuyển nhiều, ý thức tuân thủ các biện pháp phòng dịch kém và các biến thể Omicron và Delta lây lan nhanh.
Trong khi đó, Indonesia cũng đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng để đẩy lùi làn sóng lây nhiễm Omicron Quốc gia này đang triển khai nhiều nỗ lực, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và tăng cường sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh từ xa nhằm đẩy lùi làn sóng COVID-19 thứ ba do biến thể Omicron gây ra.
Phát biểu họp báo trực tuyến ngày 7/2, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Binsar Pandjaitan - quan chức phụ trách công tác phòng chống dịch COVID-19 của Indonesia - cho biết chính phủ nước này đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, đặc biệt là liều vắc xin thứ hai cho người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác, đồng thời cung ứng đủ vắc xin tăng cường cho tất cả người dân.
Chính phủ Indonesia cũng tiếp tục tăng cường đội ngũ nhân viên y tế và thuốc men cho các cơ sở khám chữa bệnh, cũng như tăng số giường được chuyển đổi dùng để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 với số lượng tương tự trong làn sóng COVID-19 thứ hai do biến thể Delta gây ra hồi tháng 7 năm ngoái.
Chính phủ quốc gia Đông Nam Á cũng tái kích hoạt các cơ sở cách ly tập trung để điều trị các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nhằm san sẻ gánh nặng cho các bệnh viện, đồng thời cung cấp các cơ sở lưu trú đặc biệt cho đội ngũ nhân viên y tế để bảo vệ lực lượng tuyến đầu chống dịch, thúc đẩy việc sử dụng các dịch vụ chăm sóc y tế từ xa cho các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)