Chính phủ Lào đã cho phép tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi để có thể sớm mở cửa trở lại các trường học trên cả nước sau thời gian dài đóng cửa do đại dịch COVID-19.
Ngay từ những ngày đầu, bệnh viện Setthathirath, một trong những bệnh viện tuyến trung ương ở thủ đô Vientiane đang tiêm cho các em từ 12-17 tuổi đã luôn tấp nập người đưa trẻ đi tiêm phòng.
Trước khi đến tiêm, các em chỉ cần đăng ký trực tuyến. Người tiêm cũng có thể chọn địa điểm tiêm, ngày tiêm và giờ tiêm rồi đến theo lịch hẹn. Nhờ thủ tục dễ dàng và nhanh chóng, kể từ khi bắt đầu tiêm từ ngày 15/11 đến nay, mỗi ngày bệnh viện này tiêm được cho khoảng trên 100 trẻ với số lượng hôm sau tăng hơn hôm trước. Điều kiện để tiêm chủng là các em phải đủ từ 12 tuổi trở lên và được sự đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến trình tiêm vắc xin cho thanh thiếu niên, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào cũng đang gấp rút soạn thảo 10 điều kiện và các biện pháp liên quan đến kiểm soát COVID-19 trong trường học để có thể sớm mở lại các trường trên cả nước sau thời gian dài phải đóng cửa do đại dịch.
Ngày 20/11, Hong Kong (Trung Quốc) đã cho phép hạ giới hạn lứa tuổi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc) xuống từ 3 tuổi trở lên, trong bối cảnh vùng lãnh thổ này tăng cường chiến dịch khuyến khích người dân đi tiêm phòng.
Trong một tuyên bố, người đứng đầu cơ quan thực phẩm và y tế Hong Kong (SFH), Sophia Chan cho biết thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin CoronaVac của hãng Sinovac nhằm mở rộng sang nhóm lứa tuổi ít hơn vào giai đoạn sau này.
Theo SFH, việc chấp thuận mở rộng độ tuổi đủ điều kiện để bao phủ tiêm chủng từ 3-17 tuổi mang lại nhiều lợi ích hơn so với những rủi ro của việc không tiêm chủng.
Trước đó, ủy ban tư vấn về vắc xin ngừa COVID-19 thuộc chính quyền Hong Kong đã đề nghị SFH thông qua việc giới hạn độ tuổi mới tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Đến nay, khoảng 67% dân số ở Hong Kong đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Sinovac hoặc của hãng Pfizer/BioNTech.
Trong khi đó, ngày 19/11, chính phủ Hà Lan đã quyết định cấm đốt pháo hoa truyền thống vào dịp năm mới 2022. Đây là năm thứ hai liên tiếp Hà Lan đưa ra quyết định này trong bối cảnh các bệnh viện trên cả nước đang gồng mình chống dịch COVID-19.
Lễ hội mừng năm mới ở Hà Lan nổi tiếng là cuồng nhiệt với việc mọi người sẵn sàng chi hàng triệu euro để chơi pháo hoa ngay tại khu vườn nhà mình hoặc trên các đường phố dù thói quen này đã khiến không ít người bị thương.
Quyết định cấm được đưa ra trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19 đang gia tăng. Trong 24 giờ qua, Hà Lan đã ghi nhận khoảng 21.000 ca mới, mức cao nhất theo ngày kể từ khi bùng phát dịch.
Thông báo của chính phủ nêu rõ: "Giống như năm 2021, hoạt động buôn bán và đốt pháo hoa sẽ bị cấm, nhằm tránh gia tăng gánh nặng cho các nhân viên y tế và lực lượng hỗ trợ chống dịch”.
Trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Y tế Hugo de Jonge cho biết "số bệnh nhân COVID-19 đang tăng nhanh chóng, chúng ta phải làm mọi cách có thể để giảm sức ép này”.
Bộ trưởng Tư pháp Ferd Grapperhaus cho biết năm 2020, người vi phạm quy định phong tỏa sẽ bị phạt 100 euro hoặc phạt hình sự. Hiện chưa rõ mức phạt cho các vi phạm trong lần phong tỏa năm nay sẽ như thế nào. Thông báo của chính phủ cho biết: "Giống như năm ngoái, người bán pháo sẽ phải bồi thường thích hợp”.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)