Thứ Bảy, 04/01/2025 13:48 CH
Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 256,9 triệu ca
Thứ Bảy, 20/11/2021 11:12 SA

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Munich (Đức). Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 30 ngày 20/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 256.915.825 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.154.848 ca tử vong.

 

Tổng số ca đã khỏi bệnh là 231.944.131 và số bệnh nhân đang được điều trị là 19.816.846 ca, trong đó có 79.162 ca nguy kịch.

 

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 48.517.370 ca mắc, trong đó có 791.048 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 465.082 ca tử vong trong số 34.495.506 ca mắc, Brazil có 612.411 ca tử vong trong tổng số 22.003.317 ca mắc.

 

Trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 gia tăng trên toàn thế giới, ngay cả ở những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao, các quốc gia đang thúc đẩy việc tiêm mũi vắc xin tăng cường, siết chặt các biện pháp hạn chế, tiến hành tiêm chủng cho trẻ em.

 

Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Đức đang trở nên tồi tệ khi số ca nhiễm trong tuần này nghiêm trọng hơn tuần trước và không thể loại trừ khả năng áp đặt “tình trạng khẩn cấp quốc gia”.

 

Các số liệu thống kê của Viện Robert Koch (RKI) cho biết hiện đã có hơn 1/4 số quận trên toàn quốc có tỉ lệ mắc trong 7 ngày qua vượt 500 ca/100.000 người và nhiều bệnh viện đang ở mức báo động. Theo RKI, thời gian đang rất gấp rút, nếu không nhanh chóng sẽ khó lật ngược tình thế.

 

Riêng tại bang Bayern, chính quyền bang đã thông báo hủy tất cả các hội chợ Giáng sinh trong năm thứ hai liên tiếp. Những quận có tỉ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày vượt 1.000 ca/100.000 dân sẽ bị phong tỏa. Tại những khu vực này, các quán bar, câu lạc bộ, nhà hàng và các cơ sở văn hóa, giải trí và thể thao khác sẽ bị đóng cửa.

 

Tuy nhiên, tất cả các trường học, nhà trẻ và các cửa hàng sẽ vẫn mở cửa. Hiện tại, có 8 quận ở bang Bayern có số ca mắc COVID-19 vượt mức cho phép. Hàng loạt quy định, trong đó bao gồm cả những hạn chế nghiêm ngặt được đưa ra nhằm hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh, đảm bảo hệ thống y tế vẫn có thể hoạt động. Các quán bar và hộp đêm sẽ phải đóng cửa, trong khi các nhà hàng sẽ bị giới nghiêm từ 10 giờ tối.

 

Các địa điểm thể thao và văn hóa cũng sẽ bị hạn chế trong giới hạn 25% sức chứa, các nhà bán lẻ sẽ phải hạn chế luồng khách hàng, đồng thời vẫn phải áp đặt quy tắc 2G plus (đã tiêm, đã khỏi và đã xét nghiệm). Những người chưa tiêm chủng cũng sẽ bị hạn chế tiếp xúc, theo đó sẽ chỉ được phép gặp tối đa 5 người từ 2 hộ gia đình, không tính trẻ em dưới 12 tuổi và những người đã chủng ngừa.

 

Tại Cộng hòa Czech, chính phủ nước này đã áp dụng các biện pháp hạn chế mới là chỉ cho phép người đã tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh sau 6 tháng được tới các nhà hàng, tham dự sự kiện và sử dụng một số dịch vụ khác. Quy định này sẽ buộc những người chưa tiêm phòng phải nhanh chóng đi tiêm vắc xin, qua đó giúp giảm nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan mạnh.

 

Tại quốc gia láng giềng Slovakia, chính phủ cũng đã thống nhất áp đặt các biện pháp hạn chế mới đối với những người chưa tiêm phòng vắc xin, đồng thời kêu gọi người dân đăng ký tiêm chủng ngay để chặn đứng làn sóng lây nhiễm mới trong vài ngày qua.

 

Lệnh hạn chế cũng tương tự như ở Czech, với việc chỉ cho những người đã tiêm vắc xin hoặc khỏi bệnh sau sáu tháng được tới các nhà hàng, cửa hàng bán đồ không thiết yếu hoặc các sự kiện công cộng. Các hạn chế mới có hiệu lực từ ngày 22/11.

 

Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cho biết nước này cũng đang tiến hành các biện pháp để ổn định tình hình nguy cấp ở các bệnh viện do số người nhập viện đã lên đến gần 3.000 người, trong đó có tới 80% chưa tiêm vắc xin. Bộ Y tế Slovakia cảnh báo nguy cơ đứng trước thảm họa nhân đạo nếu có trên 3.200 người nhập viện vì nhiễm COVID-19.

 

 

Ý sẽ tiến hành tiêm liều vắc xin tăng cường cho những người từ 40-59 tuổi từ ngày 22/11, sớm hơn so với kế hoạch là vào ngày 1/12 do số ca mắc COVID-19 ở nước này đang gia tăng. Riêng tại Sicily, chính quyền khu vực đã ra sắc lệnh buộc tất cả những người trên 12 tuổi phải đeo khẩu trang tại các khu vực đông người ở ngoài trời trong thời gian từ nay đến ngày 31/12. Tại các vùng khác của Ý, quy định bắt buộc đeo khẩu trang hiện chỉ áp dụng tại không gian trong nhà.

 

Phóng viên TTXVN tại Bỉ dẫn số liệu của Ủy ban Cộng đồng chung Brussels (COCOM) công bố ngày 19/11 cho thấy đã có hơn 70% số người trưởng thành ở Brussels được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, COCOM vẫn khuyến cáo người dân nên nâng cao cảnh giác nếu không muốn các bệnh viện quá tải.

 

Thông báo của COCOM nhấn mạnh tiêm chủng vẫn là cách thức tốt nhất để làm giảm khả năng lây nhiễm xuống 45%, giảm 70% nguy cơ nhập viện và ngăn chặn tới 90% nguy cơ biến chứng nặng ở những người mắc bệnh.

 

Tỉ lệ số ca nhiễm trên 100.000 dân ở Brussels trong 14 ngày qua là 876, cao hơn so với con số 787 của tuần trước. Số người nhập viện cũng tăng lên, với 392 người hôm 18/11. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 trong tuần này là 28 người.

 

Hiện, thủ đô Brussels vẫn là đơn vị duy nhất ở Bỉ áp mức cảnh báo thứ 4 của Nhóm đánh giá rủi ro (RAG) do có tỉ lệ tiêm chủng dưới mức trung bình của cả nước. Tỉ lệ tiêm đủ liều cho người trưởng thành ở Brussels là 70%, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ bình quân chung là 86,92%.

 

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhanh, hôm 17/11, Ủy ban quốc gia về COVID-19 của Bỉ đã thông qua một loạt biện pháp bảo vệ mới như bắt buộc đeo khẩu trang và làm việc từ xa từ ngày 20/11. Chính phủ Bỉ cũng bắt buộc các nhân viên y tế phải tiêm vắc xin từ ngày 1/1 tới. Những người từ chối sẽ bị sa thải sau 3 tháng.

 

Bộ Y tế Brazil ngày 19/11 cho biết kể từ khi phát động chiến dịch tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 từ tháng Một đến nay, nước này đã tiến hành tiêm hơn 300 triệu liều cho người dân và hiện đã có hơn 70% dân số được tiêm phòng từ một mũi trở lên.

 

Trong tổng số vắc xin được tiêm có 157,6 triệu liều cho người tiêm mũi một và 129,8 triệu liều cho người tiêm đủ hai mũi hoặc một mũi tùy loại vắc xin. Tính tổng cộng, Brazil đã có 73,3% dân số được tiêm chủng. Đây là chiến dịch tiêm phòng lớn nhất ở nước này từ trước tới nay.

 

Theo kế hoạch, chính phủ Brazil sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng để sớm đạt mục tiêu bao phủ vắc xin cho 85% dân số. Ngoài ra từ tuần này, Brazil cũng đẩy mạnh tiêm mũi tăng cường cho người dân từ 18 tuổi trở lên với khoảng 12,7 triệu người đã được tiêm mũi bổ sung.

 

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) đã bắt đầu xem xét việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19 của hãng dược Pfizer để các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sử dụng khẩn cấp nhằm đối phó với sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19.

 

Quyết định nói trên sẽ cho phép EMA đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia đang mong muốn sử dụng phương pháp điều trị kháng virus đầy hứa hẹn của hãng dược Mỹ trước khi được phê duyệt chính thức trên toàn EU. Việc phê duyệt chính thức dự kiến sẽ bắt đầu vào tuần tới, nhưng EMA mong muốn rút ngắn thời gian để các quốc gia có thể đưa ra quyết định càng sớm càng tốt.

 

Tại khu vực Trung Đông, Israel bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi từ ngày 23/11. Việc tiêm phòng cho trẻ em được triển khai sau khi Israel nhận được lô hàng gồm hàng trăm nghìn liều vắc xin của Pfizer/BioNTech vào ngày 21/11, chậm hơn một tuần so với kế hoạch ban đầu. Trước đó, Israel cũng đã triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

 

Không chỉ có Israel, Canada cũng đã phê duyệt tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Mỹ cũng đã “bật đèn xanh” sử dụng vắc xin của Pfizer/BioNTech cho trẻ em. Dự kiến, liều dùng của vắc xin này cho trẻ em 5-11 tuổi chỉ là 10 microgam, bằng 1/3 liều của các lứa tuổi khác, và sẽ được tiêm 2 mũi cách nhau 3 tuần. Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Campuchia và Colombia cũng bắt đầu tiêm vắc xin cho trẻ dưới 12 tuổi bằng vắc xin của Trung Quốc.

 

Nhà chức trách Canada ngày 19/11 đã thông qua việc sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 do hãng Pfizer của Mỹ phối hợp bào chế cùng BioNTech (Đức) cho trẻ em 5-11 tuổi. Động thái này được xem là một bước tiến nhằm mở đường cho việc tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi tiểu học trên toàn quốc.

 

Vắc xin của Pfizer/BioNTech là loại vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên được cấp phép sử dụng cho trẻ nhỏ ở Canada.

 

Tuyên bố của Bộ Y tế Canada nêu rõ: "Sau khi xem xét kỹ lưỡng và độc lập về các bằng chứng khoa học, bộ đã xác định rằng lợi ích của vắc xin này đối với trẻ em từ 5-11 tuổi lớn hơn nhiều so với những rủi ro có thể xảy ra”.

 

Quyết định trên được thông qua sau khi hai hãng Pfizer và BioNTech ngày 18/10 đã đệ đơn xin xét duyệt sử dụng vắc xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi, sau khi hoàn tất thực hiện thử nghiệm lâm sàng đối với hàng nghìn trẻ em ở độ tuổi này.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek