Trong tuyên bố ngày 15/11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng Nga có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus - Liên minh châu Âu (EU) với tư cách là trung gian trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên leo thang trong thời gian gần đây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhấn mạnh Nga sẵn sàng hỗ trợ bằng mọi cách có thể để giải quyết vấn đề này. Ngoài ra, Moscow khẳng định tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về việc Belarus đang gây nên cuộc khủng hoảng di cư để đánh lạc hướng sự chú ý của các nước khỏi “hành động của Nga ở biên giới với Ukraine” là không chính xác.
Ông Peskov cũng cho rằng việc đổ lỗi cho Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko về cuộc khủng hoảng di cư là hoàn toàn sai trái, trong khi không quốc gia nào quan tâm đến số phận của hàng nghìn người tị nạn đang phải chịu giá rét ở biên giới gần một tuần nay.
EU cáo buộc Minsk để cho dòng người di cư đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan cũng như các nước thành viên khác trong khối này nhằm đáp trả việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này.
Phía Belarus luôn bác bỏ, coi đây là cáo buộc vô căn cứ. Tổng thống Belarus Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về những diễn biến này vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán chiến tranh.
Cùng ngày 15/11, Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan Maciej Wasik cho biết hiện có hàng nghìn người di cư đang tập trung tại cửa khẩu Kuznica và cảnh sát đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống.
Theo đoạn ghi hình do Bộ Quốc phòng và lực lượng biên phòng Ba Lan công bố, có một đám đông người di cư đứng trước hàng rào cảnh sát và binh sĩ ở cửa khẩu biên giới Kuznica giữa Ba Lan và Belarus hiện đang trong tình trạng đóng cửa. Bộ Quốc phòng Ba Lan cáo buộc các lực lượng Belarus đang tiếp tục đưa thêm nhiều nhóm người di cư tới cửa khẩu này.
Hiện tính chân thực của video này không thể xác minh do Ba Lan đang áp đặt tình trạng khẩn cấp tại khu vực khiến giới truyền thông gặp nhiều hạn chế khi tác nghiệp.
Trong một động thái khác, Latvia, một thành viên EU, đã triển khai 3.000 binh sĩ tham gia cuộc tập trận bất ngờ gần biên giới với Belarus vào cuối tuần qua. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks, nước này không thể loại trừ khả năng một phần của những nhóm di cư sẽ di chuyển xa hơn về phía Bắc và có thể đến biên giới Latvia. Do đó, quốc gia châu Âu này cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Phát biểu với hãng tin BNS, một phát ngôn viên quân đội Latvia cho biết cuộc tập trận đã bắt đầu diễn ra từ ngày 13/11 và dự kiến kéo dài đến ngày 12/12.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell thông báo ngoại trưởng các quốc gia thành viên EU ngày 15/11 đã nhất trí về vòng trừng phạt thứ 5 đối với Belarus liên quan cuộc khủng hoảng người di cư.
Phát biểu với báo giới tại Brussels sau cuộc họp với ngoại trưởng các nước EU, ông Borrell nêu rõ các biện pháp trừng phạt sẽ tác động tới các cá nhân và các công ty. Ông Borrell cũng cho biết các ngoại trưởng đã nhất trí mở rộng phạm vi trừng phạt và đầu tháng 12 tới có thể sẽ thông qua lần cuối các biện pháp trừng phạt.
Trong khi đó, quyền Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh EU sẽ tiếp tục phối hợp với các quốc gia mà người di cư xuất phát để vào Belarus như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, cũng như tiếp tục gia tăng sức ép đối với các hãng hàng không liên quan. Theo ông Maas, các hãng này có thể bị cấm sử dụng không phận và các sân bay của EU.
Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau cho biết ngoại trưởng các nước EU đã đưa ra một quyết định chính trị đối với vòng trừng phạt thứ 5.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)