Thứ Bảy, 02/11/2024 16:39 CH
Ấn Độ quyết định mở cửa biên giới cho du khách đến từ 99 quốc gia
Thứ Ba, 16/11/2021 11:41 SA

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hành khách đến từ 99 quốc gia, những người đã được tiêm đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 nay có thể đến Ấn Độ mà không cần phải cách ly bắt buộc.

 

Theo bản hướng dẫn sửa đổi của Chính phủ Ấn Độ, một số quốc gia trong danh sách miễn trừ nêu trên bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Israel, Úc, Bỉ, Bangladesh, Phần Lan, Croatia, Hungary, Nga, Philippines, Qatar, Singapore, Sri Lanka, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Nepal.

 

Biện pháp miễn trừ được áp dụng tiếp sau thỏa thuận của Ấn Độ với một số nước trong số 99 quốc gia về việc công nhận lẫn nhau chứng nhận tiêm chủng vắc xin COVID-19 đối với những vắc xin được quốc gia hoặc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận.

 

Mặt khác, một số quốc gia trong danh sách “Loại A” mặc dù không có thỏa thuận công nhận vắc xin với Ấn Độ nhưng cho phép công dân Ấn Độ đã tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh không phải cách ly.

 

Bản hướng dẫn nêu rõ: “Quyết định nới lỏng các quy định phòng chống dịch COVID-19 đối với khách quốc tế đến từ 99 quốc gia được đưa ra trên cơ sở có đi có lại”.

 

Theo quy định, du khách đến từ 99 quốc gia phải tự khai báo về tình trạng tiêm chủng đầy đủ của mình tại cổng thông tin Air Suvidha, đồng thời xuất trình báo cáo xét nghiệm RT-PCR âm tính được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.

 

Hành khách cũng cần phải nộp một bản khai báo liên quan đến tính xác thực của báo cáo RT-PCR và sẽ phải chịu trách nhiệm truy tố hình sự nếu khai báo đó bị phát hiện là giả.

 

Những du khách mới chỉ tiêm một phần hoặc chưa tiêm vắc xin COVID-19 sẽ được lấy mẫu để xét nghiệm khi đến Ấn Độ và trải qua thời gian cách ly 7 ngày tại nhà, sau đó xét nghiệm lại vào ngày thứ 8, và nếu kết quả âm tính, sẽ tiếp tục tự theo dõi sức khỏe của mình trong 7 ngày tiếp theo.

 

Tại Đức, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 15/11 đã ra lời kêu gọi người dân khẩn cấp đi tiêm chủng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Phát biểu tại một cuộc hội thảo về dịch bệnh tổ chức tại lâu đài Bellevue, Tổng thống Steinmeier khẩn thiết kêu gọi tất cả công dân còn do dự hãy đi tiêm chủng để phòng ngừa dịch COVID-19.

 

Tổng thống Đức cho biết ông rất sốc khi nghe tin những người đang phải vật lộn với virus SARS-CoV-2 vẫn hoài nghi về sự tồn tại của virus chết người này. Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh: "Ai giờ đây vẫn còn chần chừ tiêm phòng thì hôm nay cho tôi xin thẳng thắn hỏi rằng: Thực sự cần những gì xảy ra nữa để thuyết phục các bạn? Một lần nữa tôi xin các bạn hãy đi tiêm chủng. Những người không tiêm phòng đang đặt sức khỏe của mình vào tình thế nguy hiểm, và các bạn cũng đang khiến tất cả chúng ta gặp rủi ro”.

 

Theo Tổng thống Steinmeier, người mắc COVID-19 chủ yếu là những người chưa tiêm phòng, trong khi chính những người này đang phải chiến đấu giành giật sự sống trên các giường chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ cho biết có tới 90% những người trong các khu chăm sóc đặc biệt hiện chưa được tiêm chủng.

 

Tính tới ngày 15/11, hiện Đức đã có 70,1% tổng dân số được tiêm chủng ít nhất một mũi, 67,5% được tiêm đủ liều và 4,6% đã tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, nếu không tính số trẻ em dưới 12 tuổi, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ của Đức đã đạt 75,9% và 78,8% đã tiêm ít nhất một mũi. Hiện tốc độ tiêm chủng đang tăng nhẹ, song chủ yếu là tiêm mũi tăng cường với trung bình 160.000 mũi/ngày trong 7 ngày qua.

 

Thống kê của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cho biết nếu tính theo dân số, cả nước Đức hiện có gần 27 triệu người chưa được tiêm phòng hoặc chưa tiêm mũi thứ hai. Số liệu thống kê ngày 15/11 cho thấy, cả nước Đức đang có 3.200 bệnh nhân COVID-19 phải chăm sóc tích cực (1.600 bệnh nhân phải thở máy), nhiều hơn cả số bệnh nhân trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất. Nếu tính tổng số giường bệnh đang chăm sóc tích cực bệnh nhân nói chung (21.344 giường), số giường còn trống hiện chỉ còn 13,9% (3.500 giường).

 

Trong khi đó, hiện có 39 quận/huyện/thành phố trên cả nước Đức không còn giường chăm sóc tích cực trống. Ba bang có tỉ lệ mắc bệnh trong 7 ngày/100.100 dân vượt quá con số 500 bao gồm Bayern (530,4), Thuringen (543,2) và Sachsen (754,3). Ngoài ra, còn có 5 bang có tỉ lệ trên 300, trong đó có thủ đô Berlin (306,2).

 

Về các biện pháp phòng chống COVID-19, các đảng đang đàm phán thành lập liên minh cầm quyền ở Đức gồm Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) cho biết sẽ cố gắng để không phải đóng cửa các trường học và cửa hàng như cùng kỳ năm ngoái.

 

Dự thảo luật phòng chống COVID-19 của liên minh này cũng bác bỏ việc sẽ áp đặt lệnh hạn chế đi lại (giới nghiêm ban đêm). Tuy nhiên, theo người phát ngôn nhóm nghị sĩ Đảng Xanh, hiện ba đảng vẫn chưa nhất trí được việc có hay không áp đặt quy định tiêm chủng bắt buộc trong một số ngành nghề nhất định. Thông tin này trái ngược với tuyên bố của Chủ tịch nhóm nghị sĩ Đảng Xanh Goring-Eckardt đưa ra trước đó cùng ngày.

 

Hiện nhiều bang của Đức đã ban quy tắc 2-G, theo đó chỉ cho phép những người đã khỏi bệnh và đã tiêm đủ liều mới được tham gia một số sự kiện và đời sống xã hội. Bang Baden-Wurttemberg sẽ áp dụng quy định này kể từ ngày 17/11 với các nhà hàng, viện bảo tàng, triển lãm và các sự kiện khác.

 

Bang Bayern từ ngày 16/11 cũng áp dụng quy định với khách vào các nhà hàng và khách sạn, trừ trẻ dưới 12 tuổi. Việc xét nghiệm ngay cả với PCR cũng không được công nhận ở bang miền Nam nước Đức này.

 

Ngoài ra, Bayern cũng quy định đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 1,5 mét ở tất cả những nơi áp đặt quy tắc 2-G, trong bối cảnh số trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin vẫn mắc COVID-19 đang tăng lên. Nhân viên chưa tiêm phòng hoặc chưa từng mắc bệnh làm việc tại tất cả các cơ sở dưỡng lão phải làm xét nghiệm PCR 2 lần/tuần hoặc phải làm xét nghiệm nhanh mỗi ngày.

 

Theo số liệu thống kê vào tối 15/11 của các cơ quan y tế Đức, trong 24 giờ qua nước Đức ghi nhận thêm 23.236 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca mắc COVID-19 từ đầu dịch lên 5,055 triệu ca. Đây cũng là ngày thứ 2 ghi nhận số ca cao nhất từ đầu dịch. Số ca tử vong trong một ngày qua là 106 người và từ đầu dịch tới nay đã ghi nhận 97.782 ca tử vong. Hiện trên cả nước Đức có 465.569 trường hợp đang dương tính với virus SARS-CoV-2.

 

Ngày 15/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Ý Andrea Costa tuyên bố tình hình dịch COVID-19 ở nước này đang được kiểm soát, giữa lúc có tin tức rằng chính phủ có thể áp đặt các hạn chế đối với kỳ nghỉ Giáng sinh năm nay khi số ca nhiễm đang gia tăng.

 

Phát biểu với đài Radio 24, ông Costa nhấn mạnh việc "không được lan truyền những thông điệp báo động hoặc lo lắng thái quá. Hầu hết người dân Ý đều đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19, tình hình tại các bệnh viện đã được kiểm soát. Chúng ta nên tự tin nhìn vào những tuần tới trong khi nhận thức được rằng chúng ta chắc chắn chưa thoát khỏi đại dịch và chúng ta cần sự thống nhất lớn về thể chế và chính trị”.

 

Thứ trưởng Costa cũng cho biết các nhóm đối tượng bị bắt buộc tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thể được mở rộng. Hiện tại, chỉ các nhân viên y tế tại Ý là bị buộc phải tiêm vắc xin và họ cũng là đối tượng được ưu tiên tiêm liều vắc xin tăng cường.

 

Cùng ngày, Liên đoàn y tá quốc gia (FNOPI) và Công đoàn điều dưỡng cho biết số lượng nhân viên y tế Ý bị mắc COVID-19 đã tăng mạnh trong 2 tháng qua, với 2.736 nhân viên y tế mắc COVID-19 được ghi nhận trong ngày 14/11, tăng 192,3% so với 936 ca ngày 14/9, trong đó 82% số ca mắc là y tá.

 

Trước đó, truyền thông Ý đưa tin chính phủ nước này đang xem xét việc siết chặt các tiêu chí của thẻ xanh, chứng chỉ giấy hoặc kỹ thuật số cho thấy người sở hữu đã được tiêm phòng, hồi phục từ COVID-19 trong vòng 6 tháng hay có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc hoặc 72 giờ trước đó, tùy thuộc vào loại xét nghiệm được thực hiện, để làm giảm tỉ lệ lây nhiễm trước lễ Giáng sinh.

 

Những thay đổi đã được lên kế hoạch bao gồm giảm thời hạn cấp thẻ cho những người đã tiêm vắc xin từ một năm xuống 9 tháng.

 

Trong khi đó, hiệu lực của thẻ được cấp sau khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính có thể được điều chỉnh giảm từ 72 giờ xuống còn 48 giờ và thời hạn cấp cho những người có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính sẽ giảm từ 48 giờ xuống còn 24 giờ. Tuy nhiên, chính phủ vẫn chưa chính thức công bố bất kỳ thay đổi nào đối với các tiêu chí thẻ xanh.

 

Cũng trong ngày 15/11, Bộ trưởng phụ trách ứng phó dịch COVID-19 của New Zealand, ông Chris Hipkins cho biết New Zealand sẽ bắt đầu tiêm vắc xin của Pfizer mũi tăng cường cho người dân kể từ ngày 29/11 tới. Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Hipkins cho biết cơ quan quản lý dược phẩm của New Zealand (Medsafe) đã phê duyệt sử dụng vắc xin của Pfizer để tiêm mũi tăng cường cho người trên 18 tuổi.

 

Quyết định này được đưa ra sau khuyến nghị của nhóm tư vấn kỹ thuật về vắc xin đối với nội các. Ông Hipkins nêu rõ: "Tiêm phòng là cách tốt nhất để phòng ngừa COVID-19. Mũi vắc xin tăng cường sẽ được tiêm miễn phí cho bất cứ ai từ 18 tuổi trở lên đã hoàn thành 2 mũi tiêm cách đây hơn 6 tháng”.

 

Ông cho biết thêm tất cả những người này sẽ được tiêm mũi tăng cường tại New Zealand, bất kể họ đã tiêm 2 mũi trước đó ở trong nước hay ở nước ngoài. Loại vắc xin được sử dụng tiêm mũi tăng cường là vắc xin của Pfizer, bất kể loại vắc xin tiêm 2 mũi trước đó là loại gì.

 

Ông Hipkins nhấn mạnh trong khi phần lớn các nước đang phân bổ tiêm mũi tăng cường cho một số nhóm nhất định, New Zealand quyết định triển khai tiêm cho tất cả mọi người để dễ thực hiện và đảm bảo công bằng.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek