Ngày 15/11, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố nước này không mong muốn bất kỳ xung đột nào xảy ra ở khu vực biên giới.
Hãng thông tấn nhà nước Belta dẫn lời Tổng thống Lukashenko nêu rõ Minsk sẵn sàng đưa người di cư tại khu vực biên giới giáp với Ba Lan về nước, song họ không muốn hồi hương.
Ông cũng khẳng định Belarus sẵn sàng hỗ trợ đưa người di cư tới Đức bằng máy bay của Belavia - hãng hàng không quốc gia Belarus, nếu Ba Lan không cung cấp hàng lang nhân đạo.
Ông nhấn mạnh phía Belarus không muốn cuộc khủng hoảng di cư leo thang thành xung đột, bởi nó sẽ tác động tiêu cực tới quốc gia này.
Trong thông báo đăng trên trang chủ cuối tuần qua, hãng hàng không Belavia thông báo các công dân Syria, Iraq, Yemen và Afghanistan sẽ bị cấm đi trên các chuyến bay từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tới Belarus. Thông báo này nhằm tuân thủ quyết định của nhà chức trách UAE.
Trong khi đó, nhằm đưa công dân về nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iraq Ahmed al-Sahaf thông báo Iraq sẽ tổ chức chuyến bay đầu tiên cho những công dân đang bị mắc kẹt tại biên giới Ba Lan-Belarus.
Ông không nêu rõ sẽ có bao nhiêu người lên chuyến bay khởi hành từ Minsk tới Baghdad, song cho biết Iraq đã ghi nhận tổng cộng 571 công dân đang bị mắc kẹt ở biên giới muốn tự nguyện về nước.
Căng thẳng giữa EU và Belarus đã leo thang trong thời gian gần đây. EU cáo buộc Minsk để cho dòng người di cư đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan cũng như các nước thành viên khác trong khối này nhằm đáp trả việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này.
Phía Belarus luôn bác bỏ cáo buộc này, coi đây là cáo buộc vô căn cứ. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về những diễn biến này vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán khỏi chiến tranh.
Trong diễn biến mới nhất, phát biểu trước Hội đồng các vấn đề đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho rằng, làn sóng di cư tới Belarus hiện đã được kiểm soát sau khi EU tiến hành đàm phán với các quốc gia liên quan và các hãng hàng không.
Tuy nhiên, theo ông Borrell, EU có thể gia hạn lệnh trừng phạt đối với cả các hãng hàng không, đại lý du lịch và những cá nhân/tổ chức khác có liên quan tới việc chuyên chở người di cư tới Belarus.
Trong cuộc thảo luận với Ngoại trưởng Belarus hồi cuối tuần qua, ông Borrell cho rằng tình hình tại khu vực biên giới của EU là hoàn toàn không thể chấp nhận được và sự hỗ trợ nhân đạo là cần thiết.
Cùng chung quan điểm này, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo các hãng hàng không nên dừng việc vận chuyển người di cư tới Belarus nếu không sẽ bị cấm hạ cánh tại châu Âu.
Theo TTXVN/Vietnam+