Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 14/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 239.904.286 ca mắc COVID-19, với 436.643 ca ghi nhận trong 24 giờ qua. Tổng số ca tử vong là 4.888.684 người, trong khi số bệnh nhân bình phục là 217.238.443 người.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch COVID-19 với 45.545.405 ca mắc, trong đó có 739.757 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, với 34.019.680 ca, trong đó có 451.469 ca tử vong. Brazil ghi nhận tổng cộng 21.597.949 ca mắc và 601.643 ca tử vong.
Tổ chức Y tế toàn châu Mỹ (PAHO) đánh giá tích cực về nỗ lực tiêm chủng ngừa COVID-19 tại các nước Mỹ Latin, theo đó tỉ lệ người được tiêm chủng trong khu vực hiện ở mức 39%, trong đó 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đạt tỉ lệ tiêm chủng từ 40%.
Theo Giám đốc PAHO Carissa Etienne, những con số trên là kết quả đáng khích lệ, song một số nước vẫn "tụt hậu" trong công tác tiêm chủng, đặc biệt vì vậy các nước cần quan tâm hơn nữa đến việc đạt mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra cho toàn cầu là tất cả các quốc gia đạt tỉ lệ tiêm chủng trên 40% dân số trước cuối năm nay.
Bà Etienne lưu ý những nước trong khu vực có tỉ lệ tiêm chủng vẫn dưới mức 20% dân số, bao gồm Jamaica, Saint Lucy, Saint Vincent & Grenadines, cùng Haiti tại Caribe, Guatemala và Nicaragua tại Trung Mỹ. Theo thống kê của PAHO, trong tuần qua châu Mỹ ghi nhận 1,1 triệu ca nhiễm mới và hơn 24.000 ca tử vong do COVID-19.
Tại châu Phi, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC), tính đến tối 13/10, tổng số ca mắc COVID-19 tại châu lục đã lên tới 8.402.139 ca, trong đó có 214.656 ca tử vong.
Trong đó, Nam Phi, Ma-rốc, Tunisia và Ethiopia là những nước có số ca mắc nhiều nhất. Khu vực miền Nam châu Phi chịu tác động nặng nề nhất, tiếp đến là các vùng Bắc và Đông Phi, trong khi vùng Trung Phi ít chịu tác động nhất.
Tại châu Âu, Ba Lan ghi nhận hơn 2.600 ca mắc mới và 40 ca tử vong trong 24 giờ qua. Hiện quốc gia Trung Âu này có hơn 2.700 ca bệnh phải nhập viện, trong đó hơn 230 ca nghiêm trọng. Giới chức y tế Ba Lan cảnh báo số ca nhiễm mới sẽ tăng trong những tuần tới do biến thể Delta bắt đầu lây lan nhanh hơn.
Theo Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Ba Lan có thể sẽ đạt mức đỉnh điểm 40.000 ca mắc mới mỗi ngày vào tháng 11 hoặc tháng 12 tới.
Tại châu Á, Ấn Độ đã nối lại xuất khẩu một lượng nhỏ vắc xin ngừa COVID-19 và sẽ gia tăng đáng kể hoạt động xuất khẩu trong vài tháng tới khi nguồn dự trữ trong nước tăng và nhu cầu tiêm chủng giảm dần. Cụ thể, công ty Bharat Biotech của Ấn Độ đã chuyển 1 triệu liều vắc xin Covaxin do hãng này sản xuất đến Iran vào tuần trước. Ấn Độ cũng đã cung cấp vắc xin cho Nepal sau khi quyết định nối lại xuất khẩu vắc xin và tập trung nỗ lực này vào các quốc gia láng giềng.
Đến nay, Ấn Độ đã xuất khẩu trở lại khoảng 4 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19. Con số này khá khiêm tốn so với nỗ lực ngoại giao vắc xin tích cực được Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi phát động đầu năm nay, trước khi làn sóng COVID-19 thứ hai bùng lên tại Ấn Độ và buộc nước này phải đình chỉ xuất khẩu.
Theo ông V.K. Paul, người đứng đầu ủy ban đặc trách của Chính phủ Ấn Độ về phòng chống COVID-19, giờ đây khi 3/4 số người trưởng thành đã tiêm một mũi vắc xin và 1/3 đã tiêm mũi hai, Ấn Độ sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vắc xin của các nước. Dự kiến, Ấn Độ sẽ vượt mốc tiêm 1 tỉ liều vắc xin COVID-19 trong 2-3 ngày tới kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm chủng cho tất cả người trưởng thành ở nước này hồi tháng 1/2021.
Tối 13/10, Bộ Y tế Israel ra thông báo kêu gọi người dân nước này hạn chế di chuyển tới Belarus, Moldova, Romania, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ do làn sóng lây lan dịch bệnh COVID-19 tại các quốc gia này đang ở mức cao. Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, những quốc gia nêu trên bị Israel xếp vào danh sách màu đỏ, đồng nghĩa với việc công dân Israel muốn đi tới hoặc trở về từ các nước đó sẽ cần phải có giấy phép đặc biệt.
Bộ trên cũng bổ sung một số quốc gia và vùng lãnh thổ vào danh sách màu vàng, tức là những nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh ở mức thấp, bao gồm Áo, Uruguay, Bahrain, Hong Kong và Đài Loan của Trung Quốc, New Zealand, Trung Quốc, Cộng hòa Czech, Cyprus, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), Ý, Malta, Bồ Đào Nha, Pháp và Kosovo (Serbia). Các quốc gia khác không được đề cập trong thông báo có nghĩa là được xếp vào danh sách màu cam.
Trước đó cùng ngày, Bộ Y tế Israel đã dỡ bỏ yêu cầu bắt buộc cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em bị nhiễm COVID-19 phải cách ly, nếu như họ đã được tiêm phòng đầy đủ. Quy định cũng áp dụng cho những người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng qua hoặc đã tiêm mũi vắc xin tăng cường.
Trong khi đó, ngày 13/10, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đã kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẩn trương phê chuẩn tất cả các loại vắc xin đã chứng minh được hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19.
Phát biểu trước báo giới, nhà lãnh đạo Mexico cũng kêu gọi WHO hành động một cách thận trọng, tôn trọng bằng chứng khoa học và tránh thành kiến về chính trị và tư tưởng trong việc phê duyệt vắc xin. Tuyên bố trên được Tổng thống López Obrador đưa ra sau khi chính phủ Mỹ và Mexico đạt thỏa thuận mở cửa biên giới trên đất liền vào tháng 11 tới cho mọi hoạt động đi lại của công dân đã tiêm các loại vắc xin được WHO phê chuẩn.
Hiện nay, một bộ phân không nhỏ người dân Mexico được tiêm vắc xin Sputnik V của Nga và CanSino của Trung Quốc, do đó số người này sẽ không thể nhập cảnh vào Mỹ chừng nào các loại vắc xin này chưa được các cơ quan y tế thế giới công nhận.
Theo số liệu chính thức công bố ngày 13/10, Anh đã ghi nhận 42.766 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua - mức cao nhất kể từ giữa tháng 7, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 8.272.883 ca. Anh cũng ghi nhận thêm 136 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số lên 138.080 ca. Số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy hơn 85% số người từ 12 tuổi trở lên ở Anh đã tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên và hơn 78% đã tiêm đủ 2 liều.
Tại Úc, bang Victoria ngày 14/10 ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, trong bối cảnh thủ phủ Melbourne của bang này chuẩn bị nới lỏng lệnh phong tỏa vào tuần tới, sớm vài ngày so với kế hoạch.
Cụ thể, bang Victoria ghi nhận 2.297 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, mức cao nhất so với bất kỳ một bang hay vùng lãnh thổ nào khác ở Úc kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Bang này cũng ghi nhận thêm 11 ca tử vong do COVID-19.
Số liệu trên được công bố trong bối cảnh bang Victoria gần đạt ngưỡng tiêm chủng đầy đủ cho 70% người trưởng thành đủ điều kiện tiêm chủng. Đây là ngưỡng tiêm chủng mà chính quyền bang đặt ra để chấm dứt lệnh phong tỏa kéo dài nhiều tháng qua.
Trong khi đó, số ca mắc mới tại bang New South Wales đang có xu hướng giảm, với 406 ca mắc mới trong 24 giờ qua, so với mức đỉnh điểm 1.599 ca ghi nhận vào đầu tháng 9 vừa qua. Các biện pháp hạn chế ở Sydney, thủ phủ bang New South Wales, có thể được nới lỏng hơn nữa vào ngày 18/10 khi thành phố này có thể đạt tỉ lệ 80% số người từ 16 tuổi trở lên hoàn thành tiêm chủng vào cuối tuần này. Đầu tuần này, Sydney đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài hơn 100 ngày.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)