Thứ Sáu, 17/01/2025 05:00 SA
Moderna và Johnson&Johnson công bố dữ liệu về liều vắc xin tăng cường
Thứ Tư, 13/10/2021 11:06 SA

Vắc xin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna. Ảnh: AFP/TTXVN

* Ấn Độ khuyến nghị tiêm vắc xin nội địa cho trẻ em từ 2 tuổi

 

Ngày 12/10, các hãng dược phẩm Moderna và Johnson&Johnson (J&J) của Mỹ đều công bố dữ liệu về liều vắc xin tăng cường (liều thứ ba) của mình trong bối cảnh ủy ban cố vấn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ nhóm họp trong hai ngày 13-14/10 để thảo luận về vấn đề này.

 

Hãng Moderna cho rằng FDA nên cấp phép sử dụng liều vắc xin tăng cường của hãng đối những người lớn tuổi và những người có nguy cơ lây nhiễm cao đã tiêm đầy đủ 2 liều.

 

Theo Moderna, liều vắc xin tăng cường của hãng hỗ trợ cho sức khỏe công cộng khi phục hồi phản ứng miễn dịch, đồng thời làm giảm số ca nhiễm ở những người trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng.

 

Trong khi đó, J&J cũng công bố dữ liệu cho thấy khả năng phòng chống COVID-19 được gia tăng sau khi tiêm liều vắc xin tăng cường của hãng.Theo J&J, liều tăng cường có thể tiêm cách 2 tháng kể từ khi tiêm liều vắc xin của hãng này (1 mũi).

 

Hồi tháng trước, FDA đã cấp phép sử dụng vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer làm liều tăng cường cho người trên 65 tuổi, người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và người có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2.

 

* Ngày 12/10, Ấn Độ đã khuyến nghị sử dụng khẩn cấp vắc xin ngừa COVID-19 do công ty Bharat Biotech nước này sản xuất cho trẻ em dưới 12 tuổi.

 

Với động thái này, Bharat Biotech trở thành công ty đầu tiên tại Ấn Độ được chấp thuận về vắc xin cho trẻ em sau khi xem xét những dữ liệu thử nghiệm vắc xin này ở nhóm tuổi 2-18.

 

Khuyến nghị trên được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ đã chuyển trọng tâm sang tiêm phòng cho trẻ em ngừa COVID-19, sau khi đã tiêm hơn 950 triệu liều cho người trưởng thành ở đất nước có 1,4 triệu dân này.

 

Vắc xin Covaxin của Bharat Biotech là một trong 3 loại vắc xin đang được sử dụng tại Ấn Độ để tiêm đại trà cho người trưởng thành. Hơn 110 triệu liều Covaxin đã được sử dụng.

 

Công ty Bharat Biotech đang trong quá trình nộp hồ sơ cấp phép lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Dự kiến đến cuối tháng 10, WHO sẽ đưa ra quyết định về việc này.

 

Bác sĩ Gagandeep Kang, giáo sư Đại học Y Christian ở (Vellore), cho biết: "Trẻ em có bệnh nền cần được ưu tiên tiêm sớm khi đã có một vắc xin chứng minh hiệu quả với trẻ em và an toàn với người trưởng thành. Đối với các em khỏe mạnh, vì có nguy cơ lây nhiễm thấp, nên chờ đến khi có thêm người trưởng thành được tiêm".

 

Bharat Biotech đã bắt đầu thử nghiệm Covaxin với trẻ em từ tháng 6, sau khi xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai nghiêm trọng do biến thể Delta gây ra, khiến hệ thống y tế của Ấn Độ phải vận hành hết công suất.

 

Dữ liệu thử nghiệm ở nhóm tuổi 2-18 "đã được Tổ chức Kiểm soát tiêu chuẩn thuốc quốc gia (CDSCO) và Ủy ban chuyên gia (SEC) đánh giá và khuyến nghị sử dụng".

 

Đến nay, mới chỉ có vắc xin công nghệ DNA của Zydus Cadila được phép sử dụng cho trẻ em từ 12 tuổi tại Ấn Độ.

 

Cùng ngày, Bộ Hàng không Dân dụng Ấn Độ thông báo chính phủ sẽ dỡ bỏ các hạn chế đối với năng lực hàng không nội địa kể từ ngày 18/10 tới, trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang giảm mạnh.

 

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, biện pháp này sẽ cho phép các hãng hàng không khai thác nhiều chuyến bay hơn và tăng lượt hành khách khi mùa lễ hội bắt đầu trên khắp Ấn Độ.

 

Thông báo có đoạn: "Sau khi đánh giá tình hình hiện tại của hoạt động nội địa với nhu cầu đi lại của hành khách bằng đường hàng không, Bộ đã quyết định khôi phục tất cả các hoạt động nội địa theo lịch trình có hiệu lực từ ngày 18/10, không hạn chế về công suất”.

 

Tuy nhiên, thông báo cũng lưu ý các hãng hàng không/nhà khai thác sân bay phải đảm bảo việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch.

 

Hiện các chuyến bay nội địa của Ấn Độ chỉ được khai thác 85% công suất. Trước đó, Ấn Độ đã nâng dần trần công suất của các hãng hàng không từ 50% (từ ngày 1/6 - 5/7) lên 65% (5/7-12/8) và 72,5% mức trước COVID-19. Ngày 12/10, Ấn Độ ghi nhận 14.300 ca nhiễm mới, mức thấp nhất kể từ tháng 3.

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek