Cùng với tỉ lệ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tiếp tục tăng lên, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ "zero COVID-19" sang “chung sống với virus," trong đó một số nước sự kiến sẽ thông quan vào tháng 11 sắp tới.
Phát biểu trên sóng truyền hình ngày 11/10, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết để "hồi sinh" nền kinh tế đất nước, ông đã ra lệnh cho Bộ Y tế công cộng và Trung tâm chỉ huy dịch bệnh cho phép khách du lịch từ 10 quốc gia có nguy cơ thấp và đã hoàn thành chương trình tiêm chủng được phép nhập cảnh không phải cách ly kể từ ngày 1/11.
Những quốc gia này gồm có Trung Quốc, Vương quốc Anh, Singapore, Đức và Mỹ... Tuy nhiên danh sách cuối cùng sẽ được Trung tâm chỉ huy dịch bệnh hoàn thiện trong tuần này.
Theo Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, khách du dịch có giấy chứng nhận tiêm chủng trước khi khởi hành và sau khi đến Thái Lan thực hiện thêm một lần xét nghiệm, thì không phải cách ly và có thể tự do di chuyển trong nước. Đến ngày 1/12, bản danh sách trên sẽ tiếp tục được mở rộng.
Theo thông báo của Trung tâm chỉ huy dịch bệnh Thái Lan, bắt đầu từ ngày 1/11, nước này sẽ mở cửa không cách ly cho du khách đã hoàn thành chương trình tiêm chủng vào các khu vực như Bangkok, Hua Hin, Pattaya, Chiang Mai và Buriram..., còn những người nằm ngoài danh sách vẫn có thể nhập cảnh vào Thái Lan, song phải cách ly 7 ngày.
Ngoài ra, hiện nay, các cơ quan chức năng Thái Lan đang xem xét khôi phục hoạt động bán thức uống có cồn trong các nhà hàng và mở cửa trở lại các tụ điểm vui chơi trong dịp năm mới.
Tính đến ngày 11/10, khoảng 48% trong số 66 triệu dân số Thái Lan đã tiêm ít nhất một liều vắc xin và 35,4% đã hoàn thành chương trình tiêm chủng, trong đó dự kiến khoảng 70% cư dân Bangkok sẽ hoàn thành tiêm chủng trước cuối tháng này. Bên cạnh Thái Lan, một số nước khác cũng chuẩn bị nới lỏng hạn chế du lịch vào tháng 11/2021.
Ngày 20/9, Mỹ tuyên bố sẽ dỡ bỏ hạn chế đi lại với khách du lịch đến từ 33 nước trong tháng 11/2021, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Anh và 26 nước tham gia Hiệp ước Schengen của châu Âu.
Những du khách này cần phải xuất trình giấy chứng nhận hoàn thành tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo những vắc xin này phải là một trong 6 loại vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép sử dụng khẩn cấp.
Ngày 9/10, Singapore tuyên bố sẽ mở rộng “Chương trình Hành lang du lịch cho khách đã tiêm vắc xin” (VTL). Sau khi hợp tác với Đức và Brunei vào đầu tháng 9/2021, Singapore tiếp tục mở rộng thêm sự tham gia của chín nước bao gồm Hàn Quốc và Mỹ, châu Âu, cho phép những du khách mang hộ chiếu nước ngoài đã hoàn thành chương trình tiêm chủng chỉ cần cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm virus là có thể nhập cảnh không phải cách ly, một phần của chương trình này sẽ có hiệu lực vào ngày 19/10.
Sau gần 18 tháng dường như cấm tất cả người dân xuất nhập cảnh, ngày 1/10, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố sẽ nới lỏng hạn chế vào tháng 11. Những cư dân đã tiêm chủng vắc xin có thể cách ly tại nhà 7 ngày sau khi trở về nước, không phải cách ly bắt buộc tại khách sạn 14 ngày như quy định hiện hành.
Tại hàn Quốc, nhằm tiến tới dỡ bỏ các hạn chế và mở cửa lại nền kinh tế khi do đại dịch COVID-19 gây ra cũng như mở cửa lại nền kinh tế trong bối cảnh tỉ lệ bao phủ vắc xin gia tăng, nhóm chuyên gia do chính phủ Hàn Quốc thành lập đã có cuộc họp đầu tiên ngày 13/10 để thảo luận về chiến lược làm thế nào sống chung với COVID-19 trong dài hạn.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum nhấn mạnh chính phủ sẽ xác định COVID-19 là căn bệnh truyền nhiễm được kiểm soát chứ không phải căn bệnh lạ đáng lo ngại, từ đó dần khôi phục cuộc sống của người dân.
Trước đó, vào tuần trước, Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết theo chiến lược sống chung với COVID-19, Hàn Quốc dự định nới lỏng những hạn chế đối với những công dân được chứng nhận đã hoàn thành việc tiêm chủng, đồng thời khuyến khích các bệnh nhân không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ dưới 70 tuổi phục hồi tại nhà.
Chính phủ cũng sẽ tập trung vào số ca nhập viện và tử vong thay vì số ca nhiễm mới hằng ngày, theo đó sẽ xem xét không công bố các số ca nhiễm theo ngày.
Hàn Quốc chưa bao giờ áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn nhưng đã áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ nhất kể từ tháng 7/2021. Các biện pháp được chính phủ nước này áp dụng bao gồm giới hạn thời gian hoạt động đối với nhà hàng, quán cafe, điểm xông hơi và phòng tập thể dục trong không gian kín cũng như giới hạn các cuộc tu tập trên hai người sau 18 giờ tối trong và quanh thủ đô Seoul.
Kế hoạch về việc sống chung với COVID-19 được chính phủ Hàn Quốc đưa ra ngay sau khi chiến dịch tiêm chủng trong nước được tăng tốc. Tính tới thời điểm hiện tại, khoảng 78,1% người dân Hàn Quốc đã được tiêm 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 trong khi 60,7% đã tiêm đủ 2 mũi.
Vào tháng 9/2021, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch sống chung với COVID-19 và xúc tiến giai đoạn trở lại trạng thái bình thường bắt đầu từ tháng 11/2021 khi đạt được mục tiêu 70% người dân được tiêm chủng đầy đủ.
Theo dữ liệu chính thức của Bộ Y tế Hàn Quốc, tính tới ngày 12/10, Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 335.742 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 2.605 ca tử vong.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)