Theo hãng tin AFP, những người tiên phong trong công nghệ mRNA dùng để tạo ra các loại vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm Moderna và Pfizer/BioNTech là ứng viên sáng giá cho giải thưởng Y học hoặc Hóa học năm nay.
Những vắc xin được tạo ra bằng công nghệ mRNA đã được tiêm cho hơn 1 tỉ người trên khắp thế giới trong cuộc chiến chống lại căn bệnh đã cướp đi mạng sống của hơn 4,8 triệu người.
Nhà báo chuyên viết về khoa học người Thuỵ Điển Ulrika Bjorksten đánh giá: “Sẽ là sai lầm nếu Ủy ban Nobel không trao giải cho công nghệ mRNA”.
Nhà báo này cho rằng Katalin Kariko từ Hungary và Drew Weissman của Mỹ - hai nhà khoa học tiên phong trong công nghệ vắc xin mRNA - hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng này.
Kariko và Weissman đã nhận được nhiều giải thưởng chuyên ngành, như giải Lasker cho nghiên cứu y học cơ bản, một giải được coi như "giải Nobel của Mỹ".
Những công nghệ khác có thể được lựa chọn để trao giải như giao tiếp tế bào, sự hoạt động của hệ miễn dịch, phát hiện gen gây ung thư vú, biểu sinh và kháng kháng sinh.
Việc công bố giải Nobel Y học vào ngày 4/10 sẽ mở đầu mùa giải Nobel năm nay, tiếp theo đó là các giải Nobel Vật lý, Hóa học, Văn học và Hòa bình. Giải Nobel Kinh tế được công bố cuối cùng, vào ngày 11/10.
Năm nay sẽ là năm thứ hai liên tiếp kể từ năm 1944, lễ trao giải Nobel truyền thống ở Stockholm (Thụy Điển) sẽ không thể diễn ra do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Theo thông báo ngày 23/9 của Quỹ Nobel, những người đoạt giải sẽ được trao các huy chương và bằng khen ngay tại quê nhà của họ.
Nếu như không có đại dịch COVID-19, những người đoạt các giải thưởng danh giá này sẽ đến Stockholm để trực tiếp nhận huy chương và bằng khen từ tay Nhà vua Thụy Điển trong một buổi lễ trang trọng được tổ chức vào tháng 12 hằng năm.
Lễ trao giải Nobel năm ngoái cũng phải diễn ra dưới hình thức trực tuyến do dịch COVID-19.
Theo TTXVN/Vietnam+