Ngày 2/10, Chủ tịch Hội đồng châu Âu EC Charles Michel đã tuyên bố rằng “năm 2022 sẽ là năm quốc phòng châu Âu” - một sự thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo EU hiện phải đối mặt với thách thức về khả năng quốc phòng của châu Âu.
Bình luận của ông Michel, trong bài phát biểu tại lễ trao giải Charlemagne năm nay cho Tổng thống Romania Klaus Iohannis, được đưa ra khi 27 nguyên thủ và chính phủ EU sẽ thảo luận về quốc phòng và an ninh châu Âu trong bữa tối ngày 5/10 tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Slovenia. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel tuyên bố: “Quyền tự chủ lớn hơn của EU phải dựa trên hai trụ cột chiến lược - phát triển kinh tế xã hội và an ninh".
Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu, tăng cường phòng thủ châu Âu có nghĩa là củng cố Liên minh Đại Tây Dương. Ông Michel cũng đề cập trực tiếp đến những chia rẽ sâu sắc và mang tính lịch sử giữa các nước thành viên EU về “quyền tự chủ chiến lược".
Ông nói: “Chúng tôi biết rằng quyền tự chủ chiến lược, cách diễn đạt này có thể mang nhiều hàm ý khác nhau, cũng có thể là chủ đề của sự hiểu lầm, không hiểu, thậm chí có thể là nghi ngờ". Ông Michel cho biết bữa tối ngày 5/10 sẽ bắt đầu cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo nhằm đưa ra tuyên bố mới về quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và NATO và lên đến đỉnh điểm tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào tháng Ba năm 2022.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu khẳng định: “Chúng tôi sẽ bảo vệ công dân của mình và đảm bảo an ninh của họ bằng cách đầu tư vào khả năng thuyết phục và sức mạnh của EU để bắt buộc và bằng cách hợp tác với các đối tác quốc tế của chúng ta".
Những lo lắng lâu nay về khả năng quân sự của châu Âu và sự thiếu phối hợp giữa các nước thành viên EU gần đây đã trở thành trung tâm của các cuộc thảo luận chính trị sau cuộc rút quân hỗn loạn và vội vã do Mỹ dẫn đầu khỏi Afghanistan. Căng thẳng cộng thêm việc Mỹ thông báo về một liên minh chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dươngmới với Anh và Úc đã làm các đồng minh của EU lo ngại, đặc biệt là Pháp.
Theo Vietnam+