Theo Reuters, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 25/9 cho biết sự công nhận quốc tế đối với lực lượng Taliban tại Afghanistan hiện chưa được xem xét.
Phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề phiên thảo luận của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Lavrov nói: “Vấn đề về sự công nhận quốc tế đối với Taliban tại thời điểm hiện tại chưa được đưa ra xem xét".
Tuyên bố này được nhà ngoại giao hàng đầu của Nga đưa ra sau khi Taliban đề cử đại sứ của lực lượng này tại Liên Hợp Quốc, qua đó xới lên tranh chấp liên quan đến ghế của Afghanistan tại tổ chức hợp tác toàn cầu.
Nga cùng với Mỹ và Trung Quốc nằm trong danh sách chín thành viên Ủy ban chứng nhận của Liên Hợp Quốc sẽ giải quyết tranh chấp liên quan ghế đại diện của Afghansitan vào cuối năm nay.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã nói rằng mong muốn của Taliban về việc được cộng đồng quốc tế công nhận là sức ép duy nhất để các nước yêu cầu lực lượng này thành lập một chính phủ có tính đại diện cao và tôn trọng các quyền cơ bản, nhất là các quyền của phụ nữ, tại Afghanistan.
Liên quan đến tình hình Afghanistan, cùng ngày, Giám đốc Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), bà Natalia Kanem cảnh báo Afghanistan đang đối mặt với nguy cơ “nạn đói cận kề” khi mùa Đông sắp đến và các dịch vụ bị gián đoạn.
Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP, bà Natalia Kanem cho rằng ít nhất 1/3 trong tổng dân số 33 triệu người tại Afghanistan bị ảnh hưởng bởi “nạn đói cận kề".
Bà cho biết thêm, thời tiết mùa đông khắc nghiệt gây khó khăn cho việc chuyển hàng hóa tới các vùng hẻo lánh và bị cô lập, cộng với dịch COVID-19, sẽ càng khiến tình hình trở nên khó khăn hơn.
Giám đốc UNFPA nêu rõ phụ nữ và các bé gái tại Afghanistan sẽ là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì nạn đói, đồng thời cảnh báo nếu hệ thống y tế tại Afghanistan sụp đổ thì sẽ là một “thảm họa hoàn toàn". Tuy nhiên, bà Natalia Kanem cũng nói thêm rằng các trung tâm y tế gia đình của UNFPA tại Afghansitan hiện vẫn mở cửa hoạt động.
Ngày 23/9, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Afghanistan, ông Luo Dapeng, đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục tài trợ cho chương trình y tế của nước này, vốn đã bị ngưng lại khi Taliban lên nắm quyền.
Ông Luo Dapeng cho biết hàng trăm nghìn người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất tại Afghanistan gần như không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe do hệ thống y tế đang bị quá tải. Ông cũng cho biết thêm rằng WHO đang phối hợp với các nhà tài trợ để tìm kiếm các cơ chế hỗ trợ mới cho các cơ sở y tế tại Afghanistan.
Theo TTXVN/Vietnam+