Các nhà khoa học Trung Quốc đã trở thành những người đầu tiên trên thế giới phát triển thành công phương pháp nhân tạo điều chế tinh bột từ carbon dioxide (CO2). Công trình khoa học này được đăng tải trên tạp chí Science số ra ngày 24/9.
Nghiên cứu này do Viện Công nghệ Sinh học Công nghiệp Thiên Tân thuộc Viện Khoa học Trung Quốc thực hiện. Các nhà khoa học khẳng định phương pháp mới sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang sản xuất công nghiệp.
Tinh bột là thành phần chính của ngũ cốc cũng như một nguyên liệu công nghiệp quan trọng. Trong tự nhiên, tinh bột được tạo thành từ quá trình quang hợp của các loại cây trồng như ngô và lúa. Quá trình này bao gồm 60 phản ứng chuyển hóa và điều hòa sinh-lý học phức tạp với hiệu suất chuyển hóa năng lượng chỉ khoảng 2% trên lý thuyết.
Nhiều nghiên cứu về tổng hợp tinh bột đã được tiến hành, song không có nhiều tiến triển.
Ma Yanhe, Giám đốc Sinh học Công nghiệp Thiên Tân, cho biết nhóm nghiên cứu đã lập ra phương pháp tổng hợp tinh bột nhân tạo bao gồm 11 phản ứng cốt lõi, được tổng hợp hoàn toàn từ CO2 trong phòng thí nghiệm. Cấu tạo của tinh bột tổng hợp này được chứng minh là tương tự với tinh bột tự nhiên.
Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp giảm thiểu tác động của thuốc trừ sâu và phân bón đối với môi trường và hỗ trợ đảm bảo an ninh lương thực.
Viện Công nghệ Sinh học Công nghiệp Thiên Tân đã tập trung vào khai thác chuyển đổi sinh học và tham gia vào nhiều dự án tổng hợp tinh bột từ năm 2015.
Theo TTXVN/Vietnam+